Xóa đường ngang tự phát để ngăn tai nạn đường sắt

Sáu tháng đầu năm 2018 cả nước đã xảy ra 143 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm tử vong 67 người.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, mà nguyên nhân phần lớn do lỗi chủ quan của con người, cũng như sự chậm trễ trong việc xử lý vấn nạn đường ngang, lối mở tự phát.
Mới đây, 8 giờ ngày 1.8, trên tuyến đường sắt bắc - nam qua H.Ý Yên, Nam Định, lái xe con không quan sát tín hiệu cảnh báo, khi băng qua đường ngang đã bị tàu SE7 đâm trúng phần đuôi xe. Hậu quả vụ tai nạn là 1 người chết và 3 người khác bị thương. Chỉ trước đó vài ngày, khoảng 8 giờ ngày 29.7, tại thôn Phú Sơn, H.Các Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, tàu SE20 va chạm với xe máy. Cú đâm mạnh khiến người và xe máy bị kéo lê khoảng 30 m rồi văng ra khỏi đường ray.
Nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng khác cũng đã xảy ra từ đầu năm 2018 tới nay, như vụ tàu SE19 đâm phải xe tải cố tình băng qua đường sắt ở điểm giao cắt có thanh chắn tàu, khiến 6 toa tàu bị lật, 2 người chết, 9 người bị thương...
Hai nguyên nhân chính được chỉ ra do lỗi của nhân viên gác chắn và lái xe không chấp hành các quy định về an toàn giao thông, thiếu quan sát khi đi qua đường sắt. Đặc biệt, ý thức của người dân chưa cao cũng là tác nhân khiến các vụ tai nạn đường sắt gia tăng đáng kể. Một thống kê từ các vụ tai nạn, va chạm cho thấy, lỗi do người điều khiển phương tiện, người đi bộ qua đường dân sinh chiếm tới gần 42%, lỗi do người điều khiển phương tiện vi phạm khoảng giới hạn đường sắt và người đi bộ đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt chiếm gần 9%, và lỗi do người điều khiển phương tiện, người đi bộ qua đường ngang có biển báo chiếm trên 11%...
Bên cạnh đó, theo Ủy ban ATGT quốc gia, hiện nhiều địa phương chưa tổ chức triển khai cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, do không bố trí được nguồn kinh phí, nguồn vốn do Nhà nước cấp hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đường ngang.
Tuy nhiên, việc xóa các đường ngang tự phát giao cắt trên dọc tuyến đường sắt không được đôn đốc thực hiện triệt để và vẫn đang trong tình cảnh “mất bò mới lo làm chuồng” tại nhiều địa phương. Cũng theo Ủy ban ATGT quốc gia, qua phân tích tai nạn giao thông đường sắt, nguyên nhân chủ yếu là do người đi đường ý thức chấp hành pháp luật còn kém, thiếu chú ý quan sát. Các giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ quá nhiều, đặc biệt còn tồn tại nhiều lối đi tự mở, tự phát nhưng lại chậm xử lý.
Xác định trách nhiệm người đứng đầu
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị UBND các tỉnh có đường sắt đi qua chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ việc ô tô đâm, va giàn chắn, cần chắn tại các đường ngang có gác và đường ngang cảnh báo tự động.
Đồng thời, các tỉnh cần xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm quy định pháp luật, phá hoại tài sản của ngành đường sắt, uy hiếp an toàn giao thông và tính mạng nhân viên. Xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá dỡ các hàng rào, trụ bê tông để thu hẹp các lối đi tự mở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ủy ban ATGT quốc gia cũng đề nghị xác định trách nhiệm cá nhân cụ thể đối với người đứng đầu UBND quận, huyện, thị xã, thị trấn,... có đường sắt đi qua trong việc quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt. Các địa phương phải phối hợp với Cục Đường sắt VN, Tổng Công ty Đường sắt VN xây dựng lộ trình xóa bỏ, giảm dần các lối đi tự mở theo quy định. Giao UBND cấp huyện, xã thực hiện công tác cảnh giới, đảm bảo an toàn giao thông tại những vị trí lối đi tự mở có nguy cơ xảy ra tai nạn theo đề nghị của Tổng Công ty Đường sắt VN...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.