Xóa những đường biên

10/09/2021 13:39 GMT+7

Dường như trong cơn bĩ cực đã không còn những đường biên về địa lý, địa vị hay nghề nghiệp. Người Sài Gòn thương nhau, người giàu chìa tay cứu giúp người nghèo, người khỏe mạnh ôm ấp người không lành lặn...

Một độc giả đã bình luận loạt bài Hotline an sinh trong đại dịch (đăng trên Thanh Niên Online từ ngày 3 - 6.9): “Ở thành phố này, người dân thương nhau, bỏ tiền, bỏ sức giúp nhau mới thật sự đáng quý”, khiến người viết suy nghĩ rất nhiều.
Đến nay, Sài Gòn đã bước qua cột mốc 100 ngày giãn cách, oằn mình chống chọi với đại dịch Covid-19, người dân, nhất là lao động nghèo gặp vô vàn khó nhọc và an sinh xã hội là vấn đề luôn được người dân quan tâm.

TP.HCM: 140.324 ca Covid-19 hồi phục, đã tiêm hơn 7 triệu liều vắc xin

Từ lúc được thành lập tới nay (ngày 15.8), Trung tâm an sinh TP.HCM ngày nào cũng chuyển hàng chục ngàn túi an sinh hỗ trợ người dân khó khăn và các phần quà cứu trợ khẩn cấp mà đơn vị này tiếp nhận từ Tổng đài 1022 và các đường dây nóng hỗ trợ khác. Chưa kể, ứng dụng An sinh mới ra mắt ngày 1.9 đến nay đã có trên 50.000 lượt đăng ký hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm.
Bên cạnh đội ngũ công chức viên chức, nhóm tình nguyện viên tại trung tâm đã phải căng mình làm việc. Ở đó, có những giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM trực fanpage an sinh tự bỏ tiền túi để hỗ trợ các trường hợp khó khăn. Có nữ nhân viên “trốn công ty” thực hiện “3 tại chỗ” để cùng bốc xếp hàng chục tấn rau củ mỗi ngày. Hay có các đạo diễn, giám đốc... mang vác hàng hóa, làm shipper chuyển nhu yếu phẩm khẩn cấp cho các bếp ăn từ thiện, cơ sở bảo trợ trẻ mồ côi...
Một nữ giám đốc tình nguyện ở trung tâm, hằng ngày chạy trên trăm ki lô mét chuyển hàng, chia sẻ ở trung tâm này, hàng hóa rau củ... đều được các tỉnh thành vận động từng nhà dân, ngay cả người khó khăn cũng đóng góp để gửi về hỗ trợ Sài Gòn…
Không kể đâu xa, ngay tại khu dân cư mình những ngày cách ly vì dịch, tôi thường xuyên nghe những tiếng gõ cửa. Khi mở cửa, trước mặt mình có khi là túi gạo, có khi là bọc rau, con cá... còn nhà hảo tâm đã đi đâu không biết.
Dường như trong cơn bĩ cực đã không còn những đường biên về địa lý, địa vị hay nghề nghiệp. Người Sài Gòn thương nhau, người giàu chìa tay cứu giúp người nghèo, người khỏe mạnh ôm ấp người không lành lặn. Tất cả đều chung tấm lòng thương yêu, chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.