Vô ý thức gây bức xúc
Thương hiệu 5 không gồm không hộ đói, không người mù chữ, không người lang thang xin ăn, không người nghiện ma túy, không có giết người cướp của được triển khai từ năm 2001 dưới thời cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh góp phần hình thành nên một Đà Nẵng “đáng sống”. Thế nhưng, “thương hiệu” này nhiều lần chông chênh, nay lại tiếp tục đối mặt với thách thức khi nếp sống văn hóa đô thị đang có chiều hướng “xộc xệch”. Tình trạng xin ăn trá hình, “chặt chém” trở lại, nạn rao vặt trở nên nhức nhối khi nhiều tuyến đường trung tâm nhem nhuốc vì các mẩu giấy đủ các loại màu. Có tình trạng vô ý thức đến mức dán mẩu rao vặt lên cả biển báo giao thông, biển tên đường…
|
tin liên quan
Đà Nẵng soạn bộ tiêu chí 'thành phố đáng sống', tham vấn ý kiến toàn xã hộiVào ngày 2.6, UBND P.Thạch Thang (Q.Hải Châu) đã bàn giao Viên Đình Tùng (30 tuổi, quê Thanh Hóa) cho Công an P.Thạch Thang xử lý hành vi “chặt chém” khách đánh giày, lấy 80.000 đồng với lý do giày bị hở đế cần phải dán. UBND phường tổ chức lực lượng mật phục và bắt quả tang Tùng có hành vi tự ý bẻ hỏng giày khách để dán keo và “chặt chém” khách.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 7 HĐND TP vừa diễn ra, đại biểu Lê Vinh Quang cho rằng các nhóm hành vi quảng cáo rao vặt trái phép, lang thang xin ăn và ăn xin biến tướng, đeo bám, chèo kéo khách có dấu hiệu tái diễn nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý.
Do thiếu quyết liệt, lơ là
Tại hội nghị Văn hóa giao tiếp ứng xử của người Đà Nẵng do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng vừa tổ chức, ông Hà Vỹ, Phó giám đốc Sở VH-TT TP, cho hay sau hơn 2 năm, TP thực hiện chủ trương Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015 và 2016 với sự lan tỏa sâu rộng, tích cực tại nhiều địa phương. Nhưng, cũng theo ông Vỹ, đến nay nhiều hành vi thiếu văn hóa, văn minh đô thị tái diễn và có chiều hướng gia tăng như: dán quảng cáo, rao vặt sai quy định; bán hàng rong, lang thang xin ăn, ăn xin biến tướng; “chặt chém”, chèo kéo khách…
Theo ông Vỹ, các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước có vai trò rất lớn trong việc lập lại kỷ cương, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Những tồn tại tái diễn phần lớn là do những bất cập trong công tác quản lý. Ở một số địa phương có sự chững lại trong chỉ đạo, thiếu sự quyết liệt.
“Một bộ phận cán bộ chưa làm hết chức trách, nể nang, thiếu kiên quyết, ngại va chạm khi thi hành công vụ, buông lỏng quản lý để tái diễn các hiện tượng đã có kết quả rất tốt trước đây. Bên cạnh đó, nguyên nhân lớn là do các quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm trên chưa đủ mạnh, chưa chặt chẽ nên chưa đủ sức răn đe”, ông Vỹ nhận định.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng, cho biết 3 nhóm hành vi: quảng cáo, rao vặt trái phép; lang thang xin ăn và ăn xin biến tướng; đeo bám, chèo kéo khách thời gian qua tái diễn do TP lơ là, không quyết liệt như trước. Theo ông, để hình thành một nếp sống văn hóa nào đó là cả một quá trình. “Hai việc làm rất quan trọng là tiếp tục thuyết phục, giáo dục và xử lý. Sở LĐ-TB-XH TP và một số quận, huyện vẫn duy trì giải pháp ai báo tin về kẻ lang thang xin ăn sẽ thưởng 300.000 đồng. Sở VH-TT có trung tâm quản lý quảng cáo, ai báo tin hiện tượng quảng cáo trái phép sẽ thưởng 200.000 đồng. Vấn đề là chúng ta không được dừng lại, nếu dừng lại các hành vi đó sẽ tái diễn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Có thể xử phạt việc hát hò gây ồn ào
Về “phong trào hát cho nhau nghe”, ông Huỳnh Văn Hùng cho rằng, vi phạm ở đây là do âm lượng quá lớn. Ngành chức năng cần nhắc nhở người dân tôn trọng tự do của người khác. Nếu nhắc nhở không được thì Sở Tài nguyên - Môi trường phải xử lý vì đơn vị này có máy đo âm lượng.
Sở LĐ-TB-XH TP cho biết, từ nay đến cuối năm 2018, các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, các điểm du lịch, đền chùa... cam kết thực hiện không để các đối tượng lang thang xin ăn, ăn xin biến tướng trong khuôn viên, địa bàn mình quản lý. Thông tin với các cơ quan chức năng nếu phát hiện trường hợp lang thang, ăn xin biến tướng để có biện pháp xử lý kịp thời.
|
Bình luận (0)