Khi nghe đại diện các trường ĐH lên tiếng lo ngại để giáo viên địa phương chấm thi kỳ thi THPT quốc gia sẽ dẫn đến tình trạng không công bằng, dễ nương tay hay sợ cụm thi do địa phương chủ trì không nghiêm túc, mới thấy niềm tin đã bị xói mòn quá nhiều.
Đến nỗi chính những người cùng làm trong ngành giáo dục cũng nghi ngờ lẫn nhau.
Các trường ĐH lo lắng vì họ có trách nhiệm tạo ra những “sản phẩm” chất lượng nên họ mong muốn có được đầu vào đạt chuẩn thật sự. Lo lắng của nhà quản lý các trường ĐH có cơ sở khi thực tế cho thấy nhiều năm nay lãnh đạo, giáo viên ở nhiều địa phương đã tìm cách “biến hóa” kết quả học tập của học sinh để “làm đẹp” học bạ hoặc coi thi, chấm thi không nghiêm túc…
Sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2015, theo tìm hiểu của Báo Thanh Niên, kết quả học lực học sinh cấp THPT tốt lên “đột biến” trên cả nước vì chủ trương tính điểm học lực lớp 12 để xét tốt nghiệp.
Thậm chí một số trường chất lượng đầu vào thấp ở một tỉnh miền Trung nhưng năm vừa qua tỷ lệ tốt nghiệp là 100%. Chính những người làm công tác giáo dục ở địa phương thừa nhận kết quả đó là nhờ điểm trung bình lớp 12 của học sinh đột ngột tăng cao.
Còn tình trạng coi thi gian lận, thiếu nghiêm túc trong kỳ thi tốt nghiệp ở nhiều địa phương cũng không hiếm. Điển hình là vụ Trường THPT dân lập Đồi Ngô (H.Lục Nam, Bắc Giang) gây chấn động dư luận cả nước hồi tháng 5.2012…
Những điều này đã khiến niềm tin của xã hội, đặc biệt là các trường ĐH, vào giáo dục ở các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa ngày càng lung lay. Mất niềm tin đến mức trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, khi Bộ GD-ĐT điều giảng viên, nhân viên các trường ĐH về địa phương tham gia coi thi ở cụm thi do sở GD-ĐT địa phương chủ trì, đã có giảng viên sợ bị chặn đánh hội đồng nếu coi thi quá nghiêm túc!
Sự nghi ngờ này từ các trường ĐH có khiến lãnh đạo ngành giáo dục, giáo viên của những địa phương dạy học, coi thi nghiêm túc chạnh lòng?
Điều đáng lo ngại là việc đánh mất niềm tin như thế này ngày càng lan rộng, phổ biến và liên đới lẫn nhau. Trường ĐH không tin địa phương, trường ĐH công nghi ngờ chất lượng đào tạo của trường tư, doanh nghiệp hoài nghi đầu ra của các trường ĐH và trên hết là xã hội ngày càng mất niềm tin vào nền giáo dục hiện tại.
Đây là kết quả tất yếu của việc xem trọng thành tích, nặng số lượng hơn chất lượng, chạy theo những kết quả ảo hơn giá trị thật của nền giáo dục VN trong một thời gian dài. Mất niềm tin đến mức bất kỳ phụ huynh nào nếu có điều kiện, họ nghĩ ngay đến việc cho con du học hoặc theo học các trường quốc tế ở VN với mong muốn con họ được học tập trong môi trường giáo dục bằng những giá trị thật.
Qua sự việc này, hy vọng các nhà giáo dục cùng nhau gầy dựng lại niềm tin, trước hết là cho nhau, vì một nền giáo dục lành mạnh. Chứ một xã hội đổ vỡ niềm tin như vậy, nhìn đâu cũng thấy nghi ngờ, lo âu rõ ràng là không bình thường.
Bình luận (0)