Những chiếc thuyền ven bờ sông Lam, cạnh chân cầu Rộ là nhà của cư dân vạn chài xóm Vận Tải (xã Võ Liệt, H.Thanh Chương). Trên những con thuyền này, hàng trăm phận đời nổi trôi đang chờ ngày được lên bờ tìm cuộc sống mới.
|
Vừa trở về “nhà” là một con thuyền cũ sau mẻ lưới thất bại, một công dân của xóm vạn đò là ông Nguyễn Văn Thái nói: Tôm cá dưới sông ngày càng ít đi, bây giờ mùa đông, nước lạnh, càng ít cá, vợ chồng đánh lưới cả ngày có khi chỉ được số tôm cá ngang vài cân gạo.
“Nếu không thả lưới, không đi kích điện thì phải treo niêu, dưới sông biết làm nghề chi ra tiền”, ông Thái nói.
Thả lưới không được cá, dân vạn chài chuyển sang dùng kích điện. Nhưng mùa này, trời lạnh, cá không vào bờ nên kích điện cũng không được cá.
Cách thuyền ông Thái vài thuyền là “nhà” của bà Nguyễn Thị Hà. Bà Hà lấy chồng về xóm vạn chài này cách đây hơn 40 năm.
“Chẳng biết xóm chài ni có từ bao giờ, nhưng khi về đây, tui đã thấy xóm đông đúc rồi”, bà Hà nói.
Vợ chồng bà có bốn trai, hai gái, đều có gia đình nhưng không ai lên được bờ. Ở đây không ai có một tấc đất cắm dùi, thuyền là nhà, sông nước làm chốn mưu sinh, con trai lấy vợ, bà sắm cho chiếc thuyền mới rồi cho ra riêng. Cuộc sống quá khó khăn, ba người con của bà đã phải vào miền Nam làm thuê.
Vạn chài có 113 hộ có hộ khẩu tại xã Võ Liệt nhưng nhiều người đã đi khắp nơi kiếm sống. Hằng năm, vào dịp rằm tháng bảy và Tết Nguyên đán, mới kéo nhau về khúc sông này để ăn rằm và ăn tết. Kiếm cái ăn đã khó, nên cái chữ cũng không còn quan trọng với người dân nơi đây. “Lấy tiền mô mà học, đứa mô cũng gắng hết lớp 9 là tốt rồi”, bà Hà giải thích.
Tháng 4.2009, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án trị giá hơn 83 tỉ đồng xây dựng khu tái định cư mẫu để đưa dân vạn chài này lên bờ. Theo đó, hai khu đặt tại xã Thanh Thủy và Thanh Lâm (H.Thanh Chương) đủ chỗ cho 165 hộ dân.
Ngoài đất ở và đất vườn (500 - 1.000 m2), mỗi hộ còn được chia 0,7 - 1 ha đất rừng để sản xuất. Dự kiến, cuối năm 2011, cơ sở hạ tầng sẽ hoàn thành để đón dân về định cư. Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Quỳ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An (chủ đầu tư) giải thích: “Dự án chậm do năm 2011 tỉnh thay đổi qui hoạch, sau đó giao nhiệm vụ năm 2012 hoàn thành, nhưng nguồn vốn trung ương mới rót về 65/83 tỉ đồng nên dự án bị tắc lại”.
Ngoài việc thiếu tiền, đơn vị thi công (Công ty CP Đại Cát Thành có trụ sở tại Hà Nội) dù đã được ứng trước 42 tỉ từ năm 2011 nhưng cũng vẫn ì ạch. Đất sản xuất cho dân tái định cư nay cũng chưa có.
“Nếu có tiền thì khoảng giữa năm 2013 sẽ xong. UBND tỉnh đã có tờ trình đề nghị trung ương rót tiền về mà vẫn chưa có nên không biết bao giờ dự án sẽ hoàn thành”, ông Quỳ nói. Điều đó cũng có nghĩa là đường lên bờ của hàng trăm con người đang sống trên nước sông Lam này vẫn còn xa lắm...
Khánh Hoan
>> Súng thần công dưới sông Lam
>> Giả chữ ký Bí thư Thành ủy Đà Nẵng để nhận đất tái định cư
>> Nguy cơ vỡ quỹ đất tái định cư
>> Tái định cư phải là nhếch nhác ?
>> Được vay ngân hàng để trả nợ tiền đất tái định cư
Bình luận (0)