Xóm đũa tre miền Tây hơn 40 năm: Thợ ráng ‘cày’ 1.000 cặp/ngày kịp bán tết kiếm tiền

20/01/2023 10:35 GMT+7

Trải qua 40 năm phát triển, đũa tre Tân Long (Hậu Giang) vẫn được ưa chuộng. Những ngày cận tết, bà con làng nghề lao động với khí thế vô cùng sôi nổi, khẩn trương.

Chạy ‘hết công suất’ vì đũa bán chạy nhất dịp cuối năm

Thời điểm gần Tết Nguyên đán Quý Mão, xóm đũa tre Tân Long (ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Khắp khoảng sân và dọc hai bên đường, bà con tận dụng để phơi những hàng đũa mới tinh tươm. Tiếng bào đũa rèn rẹt, hương tre cùng màu đũa trắng ngà tạo nên một nét đẹp độc đáo và bắt mắt cho xóm dân cư này. Làng nghề hoạt động quanh năm nhưng tháng chạp là lúc quanh cảnh xóm làng rực rỡ hơn bao giờ hết.

Thợ làm việc ngày đêm vào dịp tết

THANH DUY

Đôi tay khéo léo bào từng chiếc đũa, bà Nguyễn Ngọc Hương (47 tuổi) cho biết, vào những ngày này, nhà nào cũng gấp rút làm việc để kịp giao hàng cho khách. Đầu tháng chạp, nhiều gia đình đã mắc đèn ra trước sân để làm đũa cả ngày lẫn đêm, tiếng trò chuyện rôm rả đông vui. Nếu bình thường chỉ làm ‘chơi chơi’ khoảng 500 cặp đũa/ngày thì lúc cao điểm này phải chạy ‘hết công suất’ để sản xuất khoảng 1.000 cặp đũa/ngày. Tuy cực nhưng bà con ráng ‘cày’ vì đũa tre bán chạy nhất là dịp cuối năm.

Làng nghề đã hơn 40 năm tuổi, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng hàng chục hộ dân nơi đây vẫn động viên nhau tiếp tục sản xuất. Năm nay, bà con càng phấn khởi, càng muốn gắn bó với nghề vì giá đũa tre tăng khoảng 100 đồng/cặp so với năm ngoái. Một người thợ giỏi có thể làm từ 1.000 - 1.500 cặp đũa/ngày. Với giá bán hiện nay từ 10.000 - 20.000 đồng/chục (tùy loại), trừ hết chi phí, người làm đũa lãi khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ngày.

Bà con phấn khởi vì đũa tre Tân Long có giá hơn năm ngoái

THANH DUY

Sau 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, năm nay, xóm đũa Tân Long nhộn nhịp hẳn lên. Bà con dự báo các khu chợ sẽ xôm tụ, người dân thoải mái đi mua sắm nên khả năng đũa tre sẽ tiêu thụ nhanh. Có người còn thuê thêm thợ phụ để tăng số lượng sản phẩm. Theo thường lệ, trước ngày 22 tháng Chạp, họ sẽ bán cho các khách mối và thương lái bỏ sỉ. Khoảng 22 đến Tết, bà con sẽ mang ra chợ bán lẻ một phần để kiếm lời, vì giá cao hơn nhiều so với bỏ mối.

Bà Nguyễn Ngọc Liễu (65 tuổi), có hơn 20 năm trong nghề, chia sẻ:“Theo phong tục, một số nơi người dân cúng kiếng ông bà mâm cơm cuối năm nhất thiết phải toàn bằng đũa tre mới. Tuy nhiên, người ta kiêng kỵ không để tiền ra vào đầu năm nên 30 tết là hết bán được rồi. Nếu dư thì để đó, chừng tới tháng 3 mới bán lại được. Ráng cày trong mấy ngày giáp tết thì người làm đũa cũng có số tiền tiền kha khá để đón xuân”.

Người thợ phải trải qua nhiều công đoạn sản xuất thì đũa tre Tân Long mới có thể xuất hiện trên bàn ăn

THANH DUY

Hơn 40 năm nhưng không ‘thất sủng’

Theo bà Hà Thị Lượm (60 tuổi), trên thị trường có nhiều loại đũa như đũa cao, đũa nhựa, đũa ngà… nhưng đũa tre Tân Long vẫn có một vị trí đặc biệt trong xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng. Chỉ riêng trong tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đũa tre ở đây đã được thương lái đặt mua để mang đi tiêu thụ khắp nơi, như: Long Xuyên (An Giang), Sa Đéc (Đồng Tháp), Thốt Nốt (TP.Cần Thơ)…

Xóm đũa nhộn nhịp vào những ngày cuối năm

THANH DUY

Bà con xóm đũa tự hào vì hơn 40 đã qua nhưng thương hiệu đũa tre Tân Long vẫn không bị ‘thất sủng’.Ngược lại, nó càng được nhiều người biết đến và tìm đến mua, thậm chí Việt kiều và người nước ngoài. Bởi nó được làm bằng tre xiêm, có đặc điểm đặc ruột, để lâu ít bị mối mọt.

“Cũng có giai đoạn cả xóm điêu đứng vì không cạnh tranh lại với những loại đũa nhập màu sắc bắt mắt, kiểu cách mới mẻ. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, các loại đũa khác bộc lộ nhược điểm khó gắp, gặp nóng biến dạng. Trong khi đó, đũa tre Tân Long lại phát huy ưu điểm càng sử dụng càng lên nước bóng đẹp, phơi đủ nắng nên xài lâu. Vì vậy, cuối cùng người dân cũng quay về với đũa tre thân thuộc truyền thống”, bà Lượm kể.

Đũa tre Tân Long nói không với hóa chất

THANH DUY

Để đưa đũa tre Tân Long lên bàn ăn, người thợ phải trải qua 7 công đoạn cơ bản, gồm: đốn tre, cưa, chẻ, rọc, bào, chuốt đầu thành chiếc đũa. Sau đó, đũa được đem phơi khoảng 3 ngày cho khô ráo, gọn nhẹ mới đem đi tiêu thụ. Đến nay, đũa Tân Long vẫn được làm hoàn toàn bằng thủ công, không can thiệp thêm bất cứ loại hóa chất hay phẩm màu nào. Tết năm nay cũng như những tết sau, bà con cho biết vẫn quyết định giữ nguyên màu tự nhiên của đũa tre, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ngắm vườn quýt hồng chín rộ, nếm thử nem Lai Vung gây thương nhớ dịp tết này
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.