Xóm “ít chữ” bên bờ Hạ Long

27/09/2012 08:10 GMT+7

Viết lên tờ giấy nhặt được bất cứ ký tự gì có thể, mùa đông giá rét mướt đến đâu cũng vẫn giục bố mẹ đưa đi học từ mờ sương... cơn “khát” chữ với những đứa trẻ lênh đênh trên Vịnh Hạ Long chưa bao giờ thôi cháy bỏng.

Bên cạnh các khu đô thị sầm uất, những nhà hàng nổi rực rỡ ánh đèn là xóm thuyền chài ở Cột 5, P.Hồng Hà, TP.Hạ Long (Quảng Ninh) với hàng trăm thuyền nan của người dân Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình đến đây mưu sinh.

Họ sống trên những con thuyền rộng chừng 1,5 m2. Trẻ con sinh ra không giấy khai sinh, nên việc thống kê chính xác vùng bờ biển Cột 5 này có bao nhiêu bé đến tuổi đi học là điều không thể bởi các cháu nay đến, mai đi theo con thuyền của bố mẹ.

Xóm “ít chữ” bên bờ Hạ Long 
Hai bé, Thủy và Hiền, cùng chưa biết chữ đang xem “Đồ Rê Mí” trên máy tính của phóng viên - Ảnh: Thúy Hằng

Có mặt trên thuyền gia đình anh Nguyễn Văn Lực, chúng tôi bất ngờ khi thấy các bé gái tưởng cô giáo đến nên bỏ dở bát cơm đang ăn và hỏi:  “Cô ơi bao giờ mình học? Cô ơi có phải mua vở không?”... những đôi mắt long lanh cụp xuống khi chúng tôi nói không phải là cô giáo.

Các cháu là Nguyễn Thị Thủy (11 tuổi), Nguyễn Thị Thanh (8 tuổi), Nguyễn Thị Hương (7 tuổi),  con anh Lực và Nguyễn Thanh Hiền (10 tuổi) con anh Nguyễn Văn Nhượng đều chưa một lần được biết đến con chữ, phép toán. Chúng tò mò nhìn vào chiếc máy tính của chúng tôi và thủ thỉ, một tháng cháu chỉ được xem ti vi 2 - 3 lần.

Như thành phản xạ, các bé đáp rành rọt rằng muốn lấy chồng Hàn Quốc giống chị A, B, C... ở thuyền hàng xóm. Anh Lực nói ở đây con gái lớn chỉ mong lấy chồng Hàn để đổi đời. Anh bùi ngùi: “Chúng tôi không có tiền mua ti vi cho con xem, thi thoảng mua được quyển vở, cái bút, các con tranh nhau vẽ chữ. Bố mẹ cũng không đọc thông viết thạo nên chẳng biết dạy dỗ các cháu như thế nào để dạy lại cho con”.

Thu nhập cả gia đình trông đợi vào mẻ tôm cá bắt được mỗi ngày, việc cho con đi học là quá sức của các bậc cha mẹ. Nếu tính cả tiền đò, xe ôm ngày hai lượt vào đất liền, tiền học phí, cơm trưa, đồng phục... một tháng mỗi cháu mất cả triệu bạc. Do đó, phần lớn những đứa trẻ ở đây đều chỉ học lớp xóa mù chữ của một bà giáo tên Liên tổ chức với học phí 3.000 đồng/buổi, còn lại đều bỏ ngang, theo cha mẹ làm nghề chài lưới.

Tìm đến nhà bà Lưu Thị Liên, 67 tuổi, cựu giáo viên Trường tiểu học Quang Trung, người mở “lớp học tình thương” kể trên từ năm 1999. Bà Liên cho biết, không phải cháu nào ở xóm đò cũng được đến lớp nên năm nay chỉ có 25 cháu. “Các cháu sống dưới thuyền lâu ngày, lên đất liền cứ lơ ngơ, đến việc sang đường cũng chả biết nên bố mẹ đành để con ở dưới thuyền cho lành”, bà Liên tâm sự.

Anh Nguyễn Văn Đào, 36 tuổi, người đưa chúng tôi từ xóm đò vào bờ  trên một con thuyền nát hóa ra cũng là một người cha có những đứa con không được học hành. Anh Đào có đến 4 đứa con đang gửi bà ngoại ở H.Hoành Bồ cùng tỉnh, đứa lớn nhất 18 tuổi, nhỏ nhất mới 5 tuổi, tất cả đều chưa biết chữ…

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Hội chữ thập đỏ P.Hồng Hà, TP.Hạ Long cho biết, phường đã giúp 4 cháu nhỏ là con em xóm đò được học miễn học phí tại trường tiểu học Trần Quốc Toản. Còn lại gần 100 cháu nhỏ ở xóm đò ven biển Cột 5 vẫn chưa chưa được đến trường hoặc đã phải bỏ ngang việc học vì gia cảnh…

Nguyễn Thúy Hằng

>> Vịnh Hạ Long sẽ được đấu thầu quyền kinh doanh
>> Vịnh Hạ Long chính thức trở thành Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới
>> Vịnh Hạ Long áp dụng phí tham quan mới
>> Dạ hội mừng chiến thắng cho vịnh Hạ Long
>> Nhiều hoạt động bầu chọn cho vịnh Hạ Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.