Xóm làm nail (chăm sóc và làm đẹp móng tay, chân...) này nằm trong hẻm 136 Lê Thánh Tôn (P.Bến Thành, Q.1). Hẻm dài hơn 20 m, dẫn vào một chung cư cũ. Các tiệm nằm san sát nhau, mỗi tiệm chỉ rộng trên dưới 5 m2 nhưng có đông thợ phụ. “Các bạn cứ tham quan thoải mái, hầu như tiệm nào cũng đồng giá, khách quốc tế chuyên ghé làm nail ở đây đó”, một chị chủ tiệm xởi lởi.
Khách ngoại ngôi kín hẻm
Xóm nail trước đây nằm trong chợ Bến Thành và chủ yếu làm cho tiểu thương, sau đó mới dọn ra để làm thêm cho khách vãng lai rồi chuyên làm cho khách ngoại quốc. Cùng là dân trong nghề, chị Bùi Kim Chi (quê Khánh Hòa, từng quản lý gần chục tiệm spa, nail) nhận xét, xóm nail quốc tế là một trong những nơi làm nail “chất” nhất Sài Gòn.
Trước dịch Covid-19, các đoàn khách nước ngoài đông nườm nượp, sau khi tham quan chợ Bến Thành họ sẽ lân la vào các con hẻm gần đó, nán lại hẻm nail này để “trải nghiệm” làm móng và massage chân (foot massage), ngâm chân thảo dược, chà gót, massage chân, wax lông...
“Thời gian trước, trung bình một ngày có vài chục khách từ khắp châu lục ghé, nhiều nhất từ Malaysia và Mỹ. Vì vậy, hầu như ở đây ai cũng nói được vài câu tiếng của hai nước này. Vào những ngày cuối tuần, khách nước ngoài ngồi kín hết các tiệm. Chúng tôi bận tới nỗi đến 4, 5 giờ chiều mới được ăn trưa”, chị Trương Thị Hồng Vân (quê Gia Lai), nhân viên làm nail kể.
Các công đoạn cơ bản của làm nail gồm ngâm tay, chân trong nước cho các vùng da xung quanh mềm ra. Sau đó các nhân viên mới cắt da, tỉa, giũa móng và tư vấn kiểu sơn, màu sơn cho khách. Tại xóm nail, giá cắt da tay, chân hay giá vẽ móng tay dao động vài chục ngàn đồng, nếu trọn gói gồm cắt, tỉa và sơn móng thường sẽ từ 200.000 - 300.000 đồng. Giá sơn gel hoặc đắp bột móng đắt hơn vì đòi hỏi sự tỉ mỉ.
Theo các chủ tiệm, khách ngoại thích làm nail cầu kỳ hơn khách Việt. “Sơn móng chỉ có hai loại sơn thường và sơn gel. Khách hàng chuộng sơn gel hơn vì trông dày hơn, bền, màu bóng sáng và ít bong tróc khi làm việc nhà. Khách Việt mình chuộng sơn gel một màu, đặc biệt, thích sơn nude màu nâu hồng, hồng tím, nude sữa... vì thanh lịch và dễ phối đồ. Trong khi khách nước ngoài thường thích làm nail phức tạp hơn. Họ thích đắp bột móng, tức gắn móng giả rồi đính đá, hoa hay hột xoàn... lên trên”, chị Vân giải thích.
Ngoài đón khách theo đoàn, xóm nail còn là nơi lui tới quen thuộc của nhiều khách nước ngoài định cư gần Q.1. Là một trong người đầu tiên mở tiệm ở xóm này cách đây 20 năm, chị Tuyết (39 tuổi, chủ tiệm Lucky Nail nằm cuối hẻm) cho biết: “Trước đây có một chị người Đài Loan tầm 30 tuổi hay đi cùng một người bạn phiên dịch đến tiệm cắt móng, wax lông chân. Cổ nói cổ thích không khí ở hẻm nên đến làm hoài. Định cư khoảng bốn năm rồi cổ đi. Giờ không gặp nhau, kể ra cũng buồn”.
Sống được vẫn nhờ khách Việt
Ngay tại trung tâm Q.1, nơi đắt đỏ bậc nhất Sài Gòn nhưng giá làm nail ở đây được đánh giá “mềm” hơn so với nhiều tiệm khác cùng khu vực. Giá dịch vụ cũng gần như thống nhất giữa các tiệm nên khách cũng chẳng sợ bị chặt chém.
Dù lượng khách quốc tế góp phần lớn vào doanh thu của xóm nhưng để tồn tại tới ngày nay, các tiệm nail vẫn nhờ số lượng khách quen người Việt.
Chị Tuyết giãi bày: “Nghề nail hiện nay đã phát triển mạnh ở nhiều nước, họ không cần đi xa mới trải nghiệm làm nail nữa. Các đoàn du lịch đến một lần rồi thôi. Ở đây sống được vẫn phải nhờ khách Việt quen nên tôi luôn mở tiệm kể cả ngày lễ để giữ chân khách”.
Tình hình dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của những người làm nail, hiện chỉ còn khoảng 5 tiệm mở cửa. Xóm nail quốc tế bỗng chốc hóa thành xóm nail bản địa. Khung cảnh nhộn nhịp bỗng dưng im ắng, không thấy khách ngoại, chỉ lai rai khách Việt đến. Những lời mời chào bằng tiếng nước ngoài: “Hello, nail”, “foot massage”, “Thank you, see you again” được thay lại bằng tiếng Việt: “cảm ơn chị Yến, chị Hà”, “Lần sau tới ủng hộ nữa nha!”…
Xóm nail 20 năm không có nghĩa ai cũng bám trụ ở đây ngần ấy thời gian. Từng lớp người đi kẻ ở, trong đó có nhiều người làm nail qua Mỹ sống với gia đình rồi phát triển luôn nghề nghiệp tại đó. Trước sự cạnh tranh khốc liệt, để trụ vững trong xóm nail quốc tế, những người làm nail tại đây phải liên tục nâng cao tay nghề và theo sát thị trường, học hỏi thêm về xăm, trang điểm, màu sắc… để “tám”, tư vấn cho khách. Đưa chúng tôi xem bảng màu sơn “công phu” tự làm sau 20 năm kinh nghiệm, chị Tuyết nói: “Tôi phải không ngừng học và tìm nhiều mẫu sơn mới để phục vụ nhu cầu cả khách ngoại lẫn khách quen. Họ còn giới thiệu cho bạn bè của họ nữa mà!”.
Đến xóm nail để “tám chuyện”
Mỗi tiệm nail thường có khách quen. Tiệm muốn đông khách thì nhân viên ngoài nhiệt tình, tay nghề giỏi còn phải biết “tám chuyện”, biết tư vấn cho khách… “Các tiệm nail ở đây tuy nhỏ nhưng gợi cảm giác thân thiết, thoải mái. Không chỉ giá hợp lý mà còn được tư vấn về bí quyết làm đẹp, giữ da sáng, chăm sóc móng nữa”, chị Nguyễn Ngọc Mai (25 tuổi), một khách hàng chia sẻ.
Làm nail có khi kéo dài tới vài tiếng đồng hồ vậy mà sau khi thợ làm xong nhiều người còn nấn ná vì... “tám” chưa hết chuyện. Thậm chí, có người ở khá xa nhưng cứ vài tuần lại đến xóm làm móng đôi khi chỉ để… gặp người quen tám chuyện cho đỡ buồn.
|
Ảnh: Thu Ngân