Chúng tôi đến đường liên khu 4 - 5 Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) vào buổi chiều ngày 20.10. Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi lân la theo con đường mòn, khó khăn lắm mới tìm được "xóm chạy dây".
Xóm nằm tách biệt trên một khu đất trống, không có lối đi; xung quanh cỏ dại mọc chi chít. Chúng tôi tính nhẩm, khoảng 10 túp lều được xây dựng tạm bợ bằng những tấm tôn hỏng. Đứng ở bên ngoài, chúng tôi đã nghe tiếng máy kéo rì rì của những người làm nghề se dây thừng.
"Chạy dây là có tiền"
Ở đây, chúng tôi gặp ông H.Đ.T (65 tuổi) đang tỉ mẩn buộc các dây đã bện xong thành từng bó. Thấy người lạ đến, vợ ông T. thân thiện bắt chuyện rồi dẫn chúng tôi vào nhà.
Chia sẻ về cơ duyên bén nghề, ông T. nói, nghề se dây thừng vốn là nghề truyền thống của người dân miền Tây, đa số dân nhập cư gốc ở An Giang.
Khi được hỏi về quá trình hình thành xóm, ông kể, khoảng 20 năm trước, có chủ ở TP.HCM "mộ dân" An Giang lên thành phố làm nghề "chạy dây". Thấy ở quê khó khăn, mùa màng thất bát hoài nên vài gia đình quyết định dìu nhau lên TP.HCM làm việc.
Họ được chủ cho ứng tiền để xoay xở, làm giàn sa, "ngựa"... rồi thuê đất trống ở ngoại ô thành phố để làm nghề bện dây thừng. Theo thời gian, người dân tiếp tục "kháo" hàng xóm mình lên, số lượng ngày một đông và dần dần hình thành nên xóm "chạy dây" hay còn gọi là xóm "se dây".
Người dân ở xóm nghề này thường se 2 loại dây: dây đậu và dây cào. Quan sát thấy một thanh niên cầm dụng cụ và kéo dây đi xa, chúng tôi tò mò hỏi. Ông T. giải thích, đó là công đoạn se dây. Để tạo ra một sợi dây thừng thành phẩm phải trải qua 4 giai đoạn chính.
Đầu tiên, người thợ xỏ dây vào dàn lược (một khung có răng cài để giữ cho dây thẳng hàng). Sau đó, họ dùng cài để kéo dây qua từng "ngựa" (những khung gỗ hoặc trụ được dựng sẵn dọc theo tuyến đường chạy dây) được dựng sẵn.
Trong quá trình này, dây phải được lồng vào các kẽ suộc trên dàn lược, đảm bảo từng sợi nằm đúng vị trí. Mỗi lượt chạy dây phải đi qua khoảng 14 cây ngựa. Một sa được tính bằng 2 lượt chạy (một lượt ra và một lượt vào), tổng chiều dài khoảng 400 mét. Sau khi chạy đủ các sa, dây được xoắn lại thành sợi thừng chắc chắn và được buộc thành từng bó.
Ông T. nói, một lần kéo dây nặng chừng 15 kg, còn kéo ống dây tời thì nặng đến cả tạ. Tôi hỏi: "Một người kéo sao nổi"?, ông T. cười hiền: "Nổi chứ, ai làm quen rồi đều kéo được hết".
Để tạo ra một sợi dây thừng thành phẩm phải trải qua 4 giai đoạn
ẢNH: UYỂN NHI - DU YÊN
Theo ông T., nghề chạy dây vẫn phát triển dù cho năm tháng có đổi thay. Bởi đây là nghề thủ công, khó có thể thay thế bằng máy móc. Dây được bán đắt hàng nhất là những tháng cận tết và những tháng hè.
"Đơn đặt hàng ngày càng nhiều, cứ chạy là có tiền nên chúng tôi không sợ thất nghiệp", ông T. trần tình, rồi nói thêm: "Chúng tôi se dây thừng này đi tận Hà Nội, vùng biển, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Hồi trước nhiều hộ làm lắm, hiện vơi dần rồi bởi người ta không còn sức khỏe. Còn người trẻ thì ít ai theo nghề, đa số chúng nó chọn làm công ty cho đỡ cực".
"Đời thế mà vui"
Sát bên "nhà" của ông T. là nhà của ông Võ Văn Len (65 tuổi, quê H.Chợ Mới, An Giang). Tổ ấm của ông Len được dựng bằng nhiều tấm tôn rỉ sét. Ngày nắng thì nóng như lò lửa còn ngày mưa thì dột tứ phía.
Ông Len không nhớ rõ gia đình mình lên phố thị lập nghiệp từ năm nào, chỉ biết độ hơn 20 năm. Lúc trước ở quê, vợ chồng ông Len cũng làm nghề chạy dây. Nghe hàng xóm mách nước ở TP.HCM trả công cao hơn nên gia đình ông đi luôn.
Ông kể, xóm nghề này lúc trước ở xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh, TP.HCM), nhưng bị chủ thu hồi đất nên các hộ dân tản ra 2 nơi ở Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) để làm việc.
Xóm hiện tại của ông Len có 8 hộ, tất cả cùng "hùn tiền" thuê mảnh đất quy hoạch rộng hơn 10.000 m2, giá thuê 15 triệu đồng/tháng. Mặc dù nơi này không có lối đi chính thức, nhưng mọi người vẫn cố bám trụ với nghề.
Chỉ tay về phía xa, ông nói, xóm chạy dây phía bên kia đông người làm, hơn chục hộ theo nghề. Còn khu vực ông Len ở, chỉ còn 4 hộ vẫn kiên trì giữ lửa nghề.
Nhắc đến những khó khăn, ông Len ngao ngán nhất là trời mưa, vì "mưa xuống là đói", không se dây được. Tuy nhiên, ông nói nghề này cũng thoải mái vì tự do và phù hợp với người cao tuổi. Người thợ có thể chọn loại dây nhỏ để kéo cho đỡ cực.
Anh Phát (20 tuổi, con ông Len), nghỉ học từ năm lớp 6 và "dính" luôn nghiệp "chạy dây" kiếm tiền từ đó. Gia đình ông Len làm theo đơn đặt hàng của công ty và kiếm được trung bình 400.000 đồng/ngày.
Công việc thường bắt đầu từ 3 giờ sáng và kéo dài đến chiều tối. Làm nghề chạy dây khiến nhiều người đau vai, đau khớp do lao động liên tục. Ông Len kể cách đây vài hôm, ông có đi bệnh viện chụp hình, bác sĩ chẩn đoán bị vẹo cột sống. Do vậy, ông phải thường xuyên đeo đai lưng khi ngồi trên máy bện dây.
Ông Len nói nghề này đòi hỏi kinh nghiệm, trí tuệ, kiên nhẫn, sự khéo léo và sức khỏe. Bởi, nếu người thợ làm không đúng kỹ thuật thì dây sẽ dễ bị đứt hoặc dính lại với nhau.
Ông T. nghe vậy cũng bắt chuyện: "Đúng rồi! Nghề này đòi hỏi nhiều lắm. Mình làm phải biết tính toán, biết chọn góc độ nào để nâng cao năng suất. Ai khéo thì làm nhanh, sợi dây chắc hơn. Như tôi, mỗi ngày kéo được 20 - 30 sa".
Chúng tôi hỏi, có bao giờ muốn bỏ nghề không? Ông Len trả lời, ông chưa tính đến chuyện bỏ nghề về quê. "Giờ mà về cũng không biết làm gì để kiếm tiền. Thôi thì cứ làm đến khi nào không nổi thì nghỉ", ông Len buồn rầu.
Còn ông T. nói: "Tôi có 3 người con, đều học đại học và ra trường làm ở TP.HCM. Chúng nó kêu tôi nghỉ hoài nhưng mà mình nhàn cư vi bất thiện. Bỏ nghề buồn lắm! Vả lại tôi mà nghỉ là đau ốm liền, tại tôi lao động quen rồi. Bây giờ sức khỏe không bằng hồi xưa nhưng tôi vẫn thích bám nghề".
Nhắc đến nghĩa tình của đồng hương, bà Mà (vợ ông Len) tâm sự, ai trong xóm cũng biết hoàn cảnh của nhau. Nhà nào khó khăn hàng xóm cũng biết giúp đỡ, động viên.
Mọi người thường tạo niềm vui cho nhau mỗi dịp lễ, tết hoặc những ngày cuối tuần. "Ở xóm này, cuộc sống của mỗi người đều tạm bợ và luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau nhưng mỗi khi hát thì sướng hơn bất kỳ ai vì không bị bắt bẻ do ồn ào. Đời thế mà vui", bà Mà cười òa.
Bình luận (0)