Xóm quạ kêu

22/12/2019 06:04 GMT+7

Ở Phổ Thuận, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi, có một xóm được gọi tên là “Xóm quạ kêu”.

Sao có tên gọi lạ như vậy? Một người anh trong xóm, tên Nguyễn Minh Toán, năm nay ngót 70 tuổi, nói với tôi: Xóm này, từ ngày xưa đã là nơi cư trú của hàng nghìn hàng vạn con quạ. Những con quạ không biết từ đâu về, đã chọn “nơi này là quê hương”.
Cứ chiều chiều, chúng tập trung về xóm, và những tiếng kêu của chúng hợp thành một “tiếng kêu chung” nghe rất chói tai, và kéo “hết ngày dài tới đêm thâu”. Người dân trong xóm, lâu dần phải tập sống chung với âm thanh trước lạ sau quen ấy, và chấp nhận sự cư trú của hàng vạn con quạ trên những lùm cây dày rậm của xóm mình, coi đó như “chuyện thường ngày ở xóm”.
Quạ kêu nam đáo nữ phòng
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương” (Ca dao)
Đúng như thế, đã là quạ thì hay kêu, lại kêu to, kêu đồng loạt, nên ngày xưa chuyện “nam đáo nữ phòng” lẽ ra là chuyện kín đáo, thì bất ngờ có quạ xen vào, thế là…bể nồi bể chén cả.
“Rồi cách mạng bùng lên rồi kháng chiến trường kỳ” (thơ Giang Nam), thời kháng chiến chống Pháp, Phổ Thuận là vùng tự do của Quảng Ngãi, nhưng không hoàn toàn yên bình. Ở xóm quạ kêu, có một xưởng quân giới của Liên khu 5 đóng, rồi một xưởng dệt tên Việt Thắng, chuyên dệt vải xi-ta cung cấp cho bộ đội và nhân dân trong những năm gian khổ thiếu ăn thiếu mặc ấy. Người dân xóm quạ kêu, vốn cần cù và khá nhanh nhạy, đã chuyển sang làm nghề trồng bông kéo sợi cung cấp nguyên liệu cho xưởng dệt Việt Thắng.
Trong chiến dịch Atlante cuối năm 1953, quân Pháp với mưu đồ đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5, trong đó có Quảng Ngãi, đã đổ bộ quân lên H.Đức Phổ, dùng cả máy bay ném bom vùng Phổ Thuận, trong đó xóm quạ kêu trở thành điểm tấn công của quân Pháp, cả không quân và bộ binh.
Máu đồng bào xóm quạ kêu đã đổ, xưởng dệt Việt Thắng bị đốt cháy, sinh kế của người dân trong xóm bị hủy hoại. Giặc lên rồi giặc rút, mặt trận bắc Tây nguyên mở ra với thắng lợi tưng bừng của quân đội Liên khu 5 dưới quyền chỉ huy của tướng tài Nguyễn Chánh.
Năm 1965, khi Mỹ trực tiếp đổ quân vào trung Trung bộ, Phổ Thuận trở thành vùng chiến sự “xôi đậu”, nơi giành giật giữa quân du kích Việt cộng và quân đội Mỹ. Xóm quạ kêu bấy giờ ran tiếng súng. Đàn quạ vẫn kiên gan ở lại với bà con trong xóm, nếu không có chuyện…
Những đội biệt kích Mỹ, dân gọi là bọn “Mỹ lết” chuyên phục kích ở những đoạn đường hiểm yếu trong xóm, về ban đêm. Điều họ không ngờ là, mỗi khi lén lút âm thầm chuyển quân, đều bị phát hiện bởi…đàn quạ.
Bấy giờ, không phải “quạ kêu nam đáo nữ phòng” nữa, mà “quạ kêu có giặc tới nhà”, du kích cứ nghe tiếng quạ kêu giần giật đổ hồi là biết có lính Mỹ phục kích. Nhiều lần như vậy, lính biệt kích Mỹ đâm ra căm ghét đàn quạ. Họ bắn súng tiểu liên như mưa bấc vào chỗ nào có quạ. Những con quạ lành hiền lớp chết lớp bị thương. Chúng cũng xác xơ như những người lính trận.
Nhưng đám biệt kích Mỹ đã thua đàn quạ của một xóm nghèo.
Sau này, đàn quạ dần tản cư khỏi vùng chiến địa. Và xóm quạ kêu vắng dần bóng quạ thân thương.
Quạ là loài chim rất mực lành hiền và đặc biệt nhạy cảm. Chúng yêu vùng quê nơi chúng trú ngụ, yêu những người dân quê nơi chúng đi về. Và quạ cũng biết căm thù những kẻ manh tâm hãm hại chúng. Vì thế, quạ đứng về phía những người du kích hiền lành và can đảm của “xóm quạ kêu”.
Chị bạn, năm nay trên 70 tuổi, kể là quê ngoại chị ở Phổ Thuận. Tôi hỏi: Chị có biết “xóm quạ kêu” không? Chị vui mừng nói, đó là quê ngoại của tôi mà. Chị kể, hồi kháng chiến chống Pháp, chị ở ngay “xóm quạ kêu” đó, và không sao quên được những đàn quạ đậu dày đặc trên những ngọn cây, đặc biệt là tiếng kêu của chúng.
Đó cũng là một phần đặc biệt trong ký ức về quê hương của một người nay đã sống xa xứ. Nhớ làm sao, cái tiếng quạ kêu ấy…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.