Ông Đặng Văn Hải (56 tuổi, thuê trọ ở hẻm 2) cho biết ông bị tai nạn lao động gãy khớp háng khiến ông khó khăn trong việc di chuyển từ hơn 2 năm trước khi đi làm phụ hồ ở Bình Dương. Khó khăn bủa vây nên vợ chồng ông khăn gói về Cần Thơ bán vé số kiếm sống.
“Do không tiền thay khớp háng nên tôi đành phải chịu cảnh tật nguyền. Bác sĩ nói phải thay khớp háng rồi tập vật lý trị liệu trong thời gian dài nữa mới hy vọng bình phục phần nào đi lại. Nhưng tiền thay vài chục triệu, chưa tính chi phí tập vật lý trị liệu nên tôi đành sống đời tật nguyền thôi”, ông Hải buồn bã kể.
Trước dịch, hai vợ chồng ông lãnh 200 tờ vé số chia nhau đi bán. Giờ thất nghiệp do dịch kéo dài, tiền vợ chồng ông dành dụm cạn kiệt, nhu yếu phẩm hết dần.
|
|
“Làm ngày nào ăn ngày đó. Tiền dành dụm được chút ít giờ cũng chẳng còn là bao bởi trang trải cuộc sống thất nghiệp mùa dịch. Giờ tiền đóng trọ phải vay mượn đóng. Tiền trọ tính luôn điện nước cũng hơn 2 triệu, chủ trọ có giảm được 300.000 đồng. Mấy ngày qua bà con trong dãy trọ nhường gạo, nhu yếu phẩm để duy trì, nhà hảo tâm tìm đến để phát gạo nên hi vọng có thể chống chọi được qua dịch”, ông Hải kể.
Tương tự bà Thạch Thị Em (71 tuổi) hiện bán vé số nuôi 2 đứa cháu nhỏ. Bà cho hay: “Gia đình nghèo không đất đai nên tôi ở trọ suốt hơn 20 năm qua. Cha mẹ 2 đứa cháu ly dị nên tôi nhận nuôi, vừa bươn chải bán vé số để trang trải cuộc sống và lo cho 2 đứa ăn học đến nơi đến chốn để sau này không phải khổ”.
Trước dịch, mỗi ngày bà Em lãnh hơn 100 tờ vé số đem bán. Đứa cháu gái Sơn Hoàng Quyên (12 tuổi) tranh thủ những ngày không đến trường đi bán vé số phụ tiếp bà và chăm sóc em gái.
|
|
Ngồi bên cạnh bà, đôi mắt bé Quyên rưng rưng, bởi bản thân bé bị suy thận, gan to... nên sức khỏe yếu: “Dù khó khăn, nhưng bà vẫn kiếm tiền để lo cho chị em con ăn học. Con thương bà lắm, dù mang trong người nhiều bệnh, rồi bị tai biến khiến chân đi lại khó khăn. Nhưng bà vẫn rất yêu thương và hết lòng lo lắng, giờ chỉ có 3 bà cháu cưu mang nhau sống”.
Bà Em cho biết, dù nghèo có nghèo nhưng mọi người sống ở trọ rất có nghĩa có tình. Họ trong nhà còn thứ gì mà người khác lại thiếu hay cạn kiệt, cũng sẵn sàng chia sớt nhau ăn. Người có gì thì chia sẻ thứ ấy cho người thiếu, lúc chia sớt nhau lon gạo, gói mì… để “dìu” nhau qua khốn khó trong cơn đại dịch. Nhờ đó, mấy bà cháu mới có thể cầm cự được suốt thời gian thành phố giãn cách.
|
Ông Quang Trí Nhơn (68 tuổi) cho biết: “Bà con nơi đây sống tình cảm lắm. Bản thân tôi sống trọ đơn chiếc, không người thân. Thấy thế, trong mùa dịch này họ sang thăm nom, giúp đỡ, nấu cháo hay cơm gì cũng sang mời tôi ăn chung, hoặc bới qua cho tôi. Rồi cần mua gì thì đều nhờ họ cả, chứ giờ già rồi đi lại cũng khó khăn. Có nhà hảo tâm đến, dù họ khó khăn nhưng cũng chỉ đến phòng tôi để hỗ trợ trước. Tôi cảm kích lắm”.
Anh Nguyễn Lâm (34 tuổi, tạm trú tại Q.Ninh Kiều, Cần Thơ) chia sẻ: “Những ngày qua tôi vận động nhà hảo tâm và trích tiền túi để mua thực phẩm hỗ trợ bà con nghèo. Biết dãy trọ trong hẻm 2 thông qua bạn bè, tôi đến tìm hiểu và giúp đỡ, hỗ trợ gạo và rau, củ… Bà con nơi đây dù khó khăn, nhưng nhường những người khó khăn hơn rồi khi còn dư mới nhận về cho mình”.
Bình luận (0)