"Nóng không khác gì ngoài đường!"
12 giờ trưa, trời TP.HCM nóng hầm hập. Nhiệt độ theo dự báo khoảng 36o C nhưng cảm nhận thức tế nắng nóng gay gắt hơn. Với những người mưu sinh ngoài trời, công việc chưa bao giờ vất vả đến thế. Dù nắng nóng, họ vẫn cố ra đường vì tiền nhà, tiền ăn, tiền gửi về quê cho con cái học hành trông chờ vào từng ngày công. Họ chấp nhận bươn chải mưu sinh dưới cái nắng như đổ lửa.
Sau khoảng thời gian làm việc cực nhọc những tưởng họ sẽ được nghỉ ngơi trong chính nhà trọ của mình. Nhưng không, họ vẫn phải chịu cái nóng trong những căn phòng quây kín mái tôn, chật hẹp. "Nóng không khác gì ngoài đường" là những chia sẻ của người dân ở xóm ve chai hẻm 184 đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh).
Hầu hết người dân trong xóm trọ này quê ở Bình Định bôn ba vào TP.HCM làm nghề nhặt ve chai, buôn bán phế liệu.
Vừa chạy xe hàng từ cầu Kênh Tẻ (Q.7) về nhà trọ, bà Nguyễn Thị Lượng (44 tuổi, quê ở Bình Định) thở dài: "Nóng không chịu nổi". Bà vội vã vào nhà lấy chiếc khăn nhúng nước lau mặt, chân tay cho đỡ nóng. Mặt người phụ nữ đỏ bừng vì đi ngoài nắng nhiều giờ đồng hồ. Bà thuê phòng trọ rộng khoảng 4m2 lợp mái tôn với giá 1 triệu đồng/tháng.
"Tôi mới đi ngoài đường về nắng cháy da cháy mặt, bịt 2 – 3 lớp áo cũng không xi nhê gì. Nắng nóng nhưng vẫn phải ra ngoài mua hàng, kiếm tiền vì lo trả tiền nhà, tiền điện nước, nghỉ là không có tiền. Phòng trọ có mỗi cái quạt, diện tích chật hẹp nhiều khi càng bật quạt càng nóng", người phụ nữ cho hay.
Bà Lượng nói rằng, phòng trọ chỉ đỡ nóng lúc 1 – 2 giờ sáng. Chủ nhà trọ là một cụ bà hơn 80 tuổi sống cùng một người con tai biến nên phòng trọ xuống cấp, hư nát cũng không thể sửa. Người thuê muốn gia cố, sửa sang đành phải tự bỏ tiền ra làm. Nhà trọ bà Lượng có duy nhất một chiếc quạt là vật "cứu cánh" giữa mùa nắng nóng.
Dân Xóm Củi chịu trận với nắng nóng: ‘Nóng như sa mạc, nóng như lò bát quái’
"Phòng này có mỗi cái quạt, tôi đâu dám gắn máy lạnh khi phải dùng điện với giá kinh doanh. Tôi tưởng tượng lắm lúc bí quá, ngột thở mà đau tim luôn, trong phòng rất nóng. Hiện giờ tiền điện nước mỗi tháng khoảng 500.000 đồng, dùng máy lạnh chắc cao hơn gấp 3 – 4 lần, tôi không có tiền trả. Giờ nắng nóng cũng phải chịu, đi ra hàng nước ngồi cùng lắm cũng chỉ được 1 tiếng, ngồi 3 – 4 tiếng phải mua thêm nước, tiền ăn hàng ngày còn phải tính toán, không thể chi tiêu thoải mái như vậy được. Nắng nóng như vậy có người hỗ trợ máy lạnh tôi cũng không dám nhận, lấy về ngắm thì được chứ không dám xài", bà thở dài.
Không chịu nổi nắng nóng khi ở trong phòng trọ, ông Nguyễn Hữu Nghĩa (68 tuổi, quê ở Quảng Nam) khóa cửa, đi ra gốc cây gần đó ngồi. Ông cho hay, thời tiết những ngày này ông đi ra ngoài sẽ dễ chịu hơn.
"Phòng trọ xung quanh quây kín mái tôn, giống lò bánh mì. Tôi có thuê phòng trọ nhưng tối ngày ra đường ngồi vì nóng không chịu được. Tối đến, trời dịu hơn tôi mới dám về phòng ngủ", ông nói.
Không có tiền chuyển đi chỗ tốt hơn
Ông Trần Ngọc Ánh (43 tuổi, quê ở Bình Định) làm nghề tháo dỡ, khoan cắt bê tông. Công việc phụ thuộc vào chủ thầu, những ngày này ông đang thất nghiệp. Căn phòng rộng chưa đến 5m2, ông tắt điện tối om, lướt điện thoại cho đỡ chán. Ông nói rằng, vì ngày 24.4 trời có mưa nên trời đỡ oi hơn chút, mấy hôm trước ông phải ra ngoài ngồi vì phòng quá nóng.
Ông tự làm đường ống dẫn nước kết nối với chiếc quạt và tự hào khoe rằng đó là chiếc quạt phun sương. "Nhờ có nó mà tôi có thể ngủ được trong căn phòng này. Hồi trước tôi thuê phòng ở Q.1 gần chỗ làm nhưng đắt quá, phải chuyển về đây. Nóng quá vẫn phải chịu vì chỗ này là rẻ nhất rồi, không có tiền đi thuê chỗ khác", ông phân trần.
Cách đó không xa, ông Lê Văn Tân (58 tuổi) thuê phòng với giá 2 triệu đồng. Giá gấp đôi so với những phòng trọ của bà Lượng, ông Nghĩa,… nên diện tích thoáng hơn. Tuy nhiên, ông Tân vẫn không chịu nổi với thời tiết nắng cháy da, cháy thịt.
"Những ngày này có việc tôi mới ra ngoài còn không sẽ ở nhà vì quá nóng. Tôi đặt cái quạt phía ngoài cửa lấy ít gió trời. Xài quạt cả ngày tiền điện sẽ tăng lên 30 – 40% nhưng không còn cách nào khác, nóng quá đành phải chịu", ông chia sẻ.
Bình luận (0)