Xôn xao vụ 'bị cướp iPhone, giật lại xe Attila'

29/09/2014 15:20 GMT+7

(TNO) Câu chuyện bị cướp giật điện thoại iPhone nhưng nạn nhân Chou Nguyen (Facebooker) đã chống trả và khiến tên cướp phải bỏ lại xe Attila đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng nhiều ngày qua.

 
Chiếc xe của tên cướp (trái) và những dòng chia sẻ của Chou Nguyen trên Facebook

Trên trang Facebook cá nhân, Chou Nguyen cho biết vào ngày 25.9 khi đang trú mưa tại số 15B Nguyễn Biểu (phường 1, quận 5, TP.HCM), Chou đã dùng điện thoại để “giết thời gian” thì có hai tên đến vờ trú mưa: một đứng sát bên phải, một ngồi sẵn trên xe đợi (cách đó vài căn nhà).

Bất ngờ tên đứng sát bên giật điện thoại, Chou Nguyen lập tức vừa giằng co giật lại vừa la làng. Kẻ cướp đã đẩy cô té xuống đường và tháo chạy vào một con hẻm.

Không thể chạy kịp vì đang mang ba lô nặng phía sau, lại mang giày cao gót, cô gái này đã nhanh trí chạy đến lại chỗ gã đang ngồi đợi sẵn trên xe và kêu cứu.

Mặc cho người này luôn miệng chối “vụ gì, tui liên quan gì?”, nhưng Chou Nguyen vẫn chụp lấy chìa khóa xe theo lời mách bảo của người dân và quăng ra xa khiến tên này hiện nguyên hình, bỏ của chạy lấy người.

“Kết quả: Mình mất điện thoại và giữ lại được chiếc xe của bọn cướp”, Chou Nguyen kể trên Facebook.

Câu chuyện này sau khi đăng tải trên Facebook đã “gây bão” trên cộng đồng mạng, được chia sẻ khắp các diễn đàn và thu hút nhiều ý kiến.

Người trong cuộc nói gì?

Trò chuyện với Thanh Niên Online, Chou Nguyen tên thật Nguyễn Nhật D.C (23 tuổi, quê ở Vĩnh Long), đang làm việc tại một công ty mua bán trực tuyến kể: “Tôi luôn cảnh giác và đề phòng. Tuy nhiên kẻ đứng bên cạnh đang giả bộ nghe điện thoại và hút thuốc, trời đang mưa nên không ai nghĩ họ là kẻ cướp”.

“Tuy nhiên trước khi bị giật, mình nghe kẻ ngồi ở xe kêu 'giật đi'”. Nên đã nhanh phản ứng, giật lại. Chính điều này đã tạo sự bất ngờ cho kẻ cướp, vì không nghĩ mình sẽ chống trả”, D.C cho biết thêm.

Được biết, D.C. đã từng bị cướp mất hai điện thoại iPhone. Giống như những lần trước, cô gái này đều hành động dũng cảm. “Những lần đó mình cũng chạy xe rượt đuổi theo, tuy nhiên đều bất thành”, D.C kể.

Vì những ngày qua, câu chuyện này tạo “sóng” trên cộng đồng mạng nên D.C thổ lộ “có một thoáng sợ bị trả thù”. Mặc dù vậy cô gái này vẫn muốn thông qua Thanh Niên Online, có thể chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm cho mọi người: “Nếu không có việc gì gấp thì tuyệt đối không sử dụng điện thoại, đặc biệt là điện thoại thông minh (smartphone). Phải luôn giữ trạng thái cảnh giác cao độ khi di chuyển trên đường”.

Khi được hỏi nếu lỡ gặp tình cảnh tương tự một lần nữa, liệu có dám hành động dũng cảm như thế. D.C cười đáp: “Chắc chắn sẽ làm như vậy, bởi vì ai cũng yếu mềm thì cướp sẽ càng lộng hành hơn nữa. Nhưng không khuyến khích mọi người làm theo vì nguy hiểm”.

Được biết, sau khi sự việc xảy ra, cô gái này đã mang xe Attila Elizabeth của kẻ cướp bỏ lại lên trình báo và giao nộp cho Công an phường 1, quận 5, TP.HCM. Vụ việc đang được công an điều tra.

Chia sẻ từ các chuyên gia

Vào ngày 17.6 vừa qua tại ngã tư Lạc Long Quân - Âu Cơ (quận Tân Bình, TP.HCM), thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An (ảnh), Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, bị kẻ cướp “đội lốt” thanh niên ăn mặc lịch sự định cướp túi đựng laptop. Ông An ngay lập tức dùng chân gạt tay kẻ cướp đồng thời "kích hoạt" bộ âm thanh với tần suất cực lớn: “Mấy anh, mấy chú ơi bắt giùm tên cướp mặc áo đen”. Nghe tiếng kêu cướp, nhiều người xung quanh cũng hăng hái hỗ trợ tích cực... la theo tạo thế trận "sức mạnh toàn dân".

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn thoát khỏi tình huống nguy hiểm, hãy chuyển từ thế "bị động" sang thế "chủ động". Khi kêu cứu, cần mô tả rõ đặc điểm của tên cướp cho mọi người cùng biết. Nên "kích hoạt" đặc điểm thích ra tay nghĩa hiệp của đàn ông: "Mấy anh, mấy chú ơi" để được trợ giúp. Và nên cẩn thận, ra đường hãy quan sát và cảnh giác cao độ”.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy (ảnh), Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, cho rằng trong những trường hợp bị cướp giật, lời khuyên hay được nghe là “phải hết sức bình tĩnh”.

Theo ông Duy, phòng vẫn tốt hơn chống: nghĩa là hạn chế đi sớm, về khuya hoặc "đơn côi lẻ bóng" trên những con đường vắng. Không nên mang tư trang quý giá khi ra đường. Cần hạn chế việc nghe điện thoại lúc điều khiển xe hoặc gần lề đường. Nên lựa chọn những tuyến đường nhiều xe, sáng sủa một chút để an toàn hơn”.

Cũng theo ông Duy, việc hô hoán cùng cần có kỹ năng, tức là phải xác định đúng bản chất của việc mình đang gặp để hô, nếu là cướp thì hô cướp, nếu bị dàn cảnh thì bạn cần hô lớn là "dàn cảnh cướp xe".

Việc hô lớn đúng bản chất của tình huống sẽ làm cho bọn cướp bị khựng lại đôi chút về tâm lý và bọn chúng cũng không chối cãi được; đồng thời làm cho mọi người xung quanh hiểu nhanh được vấn đề và giúp đỡ.

Bài, ảnh: Thanh Nam

>> Học võ phòng thân
>> Nghệ sĩ và nỗi lo phòng thân
>> 5 biện pháp phòng chống cướp giật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.