Xót ruột nhìn lãng phí giấy ở nhiều sự kiện

Thúy Hằng
Thúy Hằng
18/10/2018 20:39 GMT+7

Thông cáo báo chí, báo cáo kết quả… được in ấn tràn lan hoặc đóng thành những cuốn như tạp chí trong nhiều sự kiện. Sau đó số phận của nó ra sao ít ai quan tâm. Mỗi ngày, có quá nhiều giấy bị sử dụng lãng phí .

Cuối tuần vừa rồi, tôi tham dự một sự kiện cho cộng đồng, hoàn toàn không mất phí vào cổng, ở TP.HCM, sự kiện rất hoành tráng, chuyên nghiệp với rất nhiều gian hàng. Ở mỗi gian hàng có các tình nguyện viên sẵn sàng đứng đó chờ bạn đặt câu hỏi để giúp đỡ, hoặc phát cho bạn các tài liệu đã in ấn, xếp thành từng cọc lớn.
Ban tổ chức ngày hội còn cẩn thận in màu các cuốn như tạp chí về lịch trình, thời gian, các hoạt động chính, khách mời của sự kiện… phát cho số lượng lớn khách tới tham quan. Không những vậy, những ai tới bàn đăng ký có thể sẽ nhận được về những phiếu điều tra về mức độ hài lòng của bạn về sự kiện này cũng được in trên nhiều mặt giấy A4. Tôi quan sát, không nhiều người thật sự quan tâm tới những tờ giấy được phát miễn phí, có người lật mở xem qua loa, bỏ vào túi sách. Có người vứt rải rác, ngay trên mặt cỏ của sự kiện, hoặc vào thùng rác lúc chương trình đang diễn ra.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Giang, cộng tác viên báo Mực Tím (TP.HCM), cho hay nhiều buổi họp báo chị dự đều mang về cả tập lớn giấy tờ, báo cáo, thông tin… Chị chỉ lướt qua, xem một chút trong đó, hoặc trích dẫn vài ý kiến, còn lại thường bỏ hết những giấy tờ này. Đặc biệt, chị sợ nhất những cuộc tọa đàm, diễn đàn có nhiều ý kiến tham luận, có khi nhà tổ chức còn in ra rất nhiều quyển tham luận dày cộp, gửi cho tất cả mọi người. Một số người quan tâm tài liệu và cất giữ như một cuốn sách có nhiều thông tin, còn lại nhiều người bỏ nó ngay vào thùng rác khi vừa dự họp xong.
“Nếu tính chi phí in ấn tài liệu phục vụ cho hàng trăm người trong một sự kiện thì là con số không hề nhỏ. Tôi thấy hoàn toàn không cần thiết phải lãng phí như vậy. Chúng ta ai cũng có email, những tài liệu quan trọng đều có thể gửi email cho những ai quan tâm”, chị Giang nói.
Chỉ một hành động nhỏ, cũng khiến cuộc sống tốt đẹp hơn. Sinh viên làm ly xin rác ở một workshop Thúy Hằng
Chị Nguyễn Hữu Quỳnh, sáng lập và quản trị Fanpage Cái cây nhỏ (TP.HCM), chia sẻ nhiều người cho rằng in ấn càng nhiều tờ rơi, tờ gấp, tài liệu quảng cáo thì càng có nhiều người nhìn thấy, điều này thuộc về tư duy, không thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Về góc độ người tham dự sự kiện, theo chị Quỳnh chỉ nên lấy tài liệu nếu mình thấy thật sự cần, sau khi sử dụng xong có thể tái chế thành gạch sinh thái, làm sổ (từ giấy đã dùng một mặt)…
Chị Bùi Thị Thủy, chủ nhiệm CLB Green & Book ambassadors, cho biết việc lãng phí in ấn trong nhiều sự kiện cũng giống như việc phát tờ rơi ở các ngã tư đèn đỏ, người quan tâm thật sự và giữ nó bên người rất ít, còn lại người ta vứt ngay đi hoặc mang về nhà vứt đi thì nhan nhản. Thế nhưng, lâu lâu ta lại ra đường và bắt gặp cảnh các bạn phát tờ rơi cứ nhét nó vào xe chúng ta.
Theo chị Thủy, về góc độ của nhà tổ chức, cần phải xem xét, nhìn nhận tính hiệu quả của những giấy tờ được in ra và phát đi tại các sự kiện, nó có tương xứng với việc bỏ tiền ra in, lãng phí tiền và giấy, gây ô nhiễm môi trường hay không. Bởi giấy được làm từ gỗ, tre nứa… phải mất rất nhiều công đoạn, nhân công, năng lượng mới có thể làm ra nó.
“Ở Việt Nam, nhiều đơn vị tổ chức sự kiện cho rằng chi phí in ấn tài liệu nhỏ, không đáng kể, không quan tâm”, chị Thủy nhận xét.
“Nhiều người cho rằng in ấn tài liệu và phát miễn phí cho người ta như một cách quảng bá Marketing, nhưng đã đến lúc cần nhìn nhận lại, nó đã phát huy hết tác dụng này chưa. Hay con người sẽ cần phải làm truyền thông theo cách khác, để truyền tải thông điệp tới khách hàng của mình, chứ không phải in và phát ra một cách tràn lan như bây giờ. Tại nhiều công ty ở nhiều quốc gia, họ đã từ chối in các cuốn Catalogue (ấn phẩm quảng cáo) vì thấy lãng phí, ít người thực sự quan tâm”, chị Thủy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.