Xứ dừa, niềm vui và nỗi nhớ

16/08/2022 09:00 GMT+7

Quê nội tôi ở xứ dừa, nơi có nhiều cù lao và hàng dừa xanh cao chót vót cùng những mảnh vườn phù sa cây lành trái ngọt…

Xứ sở Cái Mơn, Chợ Lách, Bến Tre nơi có hai vị danh nhân lừng danh thế giới về mặt văn hóa và tôn giáo. Đó là ông thánh tử đạo Philiphe Phan Văn Minh và nhà bác học ngôn ngữ Petrus Trương Vĩnh Ký, người thông thạo đến 20 thứ tiếng.

Quê hương Cái Mơn mến yêu của tôi còn nức tiếng với đặc sản sầu riêng hột lép, múi dày cơm, vị ngọt thơm lừng. Thời chiến tranh cho đến khi đất nước thống nhất hai miền Nam Bắc vẫn còn nhiều những nghệ nhân làm nghề hoa kiểng, uốn bon-sai thành những chậu kiểng bán dịp tết mang hình cá hoá long, nai, rồng... rất lạ và đẹp mắt. Những chậu tắc, gốc mai vàng rực rỡ, bông giấy ngũ sắc đẹp lung linh sắc màu là nơi thu hút du khách và những vị khách giàu có, khá giả mang trong đầu thú vui tao nhã, chuyên săn lùng hoa kiểng lạ những dịp lễ Tết.

Miền quê thân yêu Cái Mơn, Bến Tre của tôi còn là xứ sở nhiều loại trái cây ngoài dừa xiêm, dừa ta, măng cụt, bòn bon, chôm chôm, cam, quýt, bưởi, xoài, mận, dâu, điều...thì món trái cây nổi bật nhất đại diện cho các tỉnh miền Tây Nam bộ đã thành thương hiệu quen tên khá nhiều người biết đến, đó là "sầu riêng Cái Mơn". Cái Mơn còn có ngôi giáo đường lớn thứ nhì miền Tây Nam bộ, đặc biệt nổi tiếng nghề làm đèn ngôi sao độc đáo trong dịp lễ Chúa Giáng Sinh với kích cỡ to lớn, trang hoàng lộng lẫy, thiết kế hoa văn tinh vi, đẹp mắt.

Bến Tre nổi tiếng xứ dừa...

thúy hằng

Tôi yêu lắm, nhớ lắm những trưa hè về quê nội tắm sông, không biết bơi lội phải ôm thân cây chuối hay cột hai trái dừa khô lại với nhau bằng cách lấy dao tách hai vỏ bề ngoài trái dừa ra thành "hai sợi dây" rồi buộc chặt vào nhau ôm nhảy xuống sông nhỏ, mương rạch và thích thú lội bì bõm cùng lũ bạn miền quê hiền lành, thật thà chất phác tuổi lên 5 lên 6... có lối phát âm là lạ, nghe buồn cười và vui tai của vần "tr" đọc bỏ vần "r" như thể cho nó mau, ngắn gọn như khi nói: "con tâu (trâu), năm nay trúng mùa trái cây thiệt hên quá... tời (trời)! Những âm tiết, từ ngữ đó nghe thật ấn tượng ngoài vị ngọt ngào, thanh thanh của các loại trái cây miền sông nước Nam bộ.

Hoài niệm đẹp về một tuổi thơ được may mắn tận hưởng không khí trong lành, ấm áp cùng những hàng dừa xanh bát ngát dọc những bờ sông, cù lao và mảnh vườn nặng trĩu cây ăn trái. Những ký ức tuổi thơ hồn nhiên được cha mẹ, anh chị dẫn về nghỉ ba tháng hè, vui sướng tung tăng vui đùa cùng sông nước và thưởng thức đủ loại trái cây ngon ngọt. Buổi tối còn có cái thú tiêu khiển lạ và độc đáo là cố thức để theo chân mấy người anh bà con hiền lành, siêng năng, cần cù đi soi cá, ếch, cua đồng, lươn... để có thức ăn cho sáng ngày hôm sau và nếu "tay nghề cao" dạn dày kinh nghiệm soi được nhiều "chiến lợi phẩm" đem ra chợ bán kiếm thêm tiền dành dụm trang trải cho cuộc sống miền quê còn nhiều thiếu thốn về vật chất nhưng tấm lòng chân chất thì tràn đầy chan chứa tình làng, nghĩa xóm, giúp đỡ cho những người cơ nhỡ, khó khăn có đủ miếng ăn của đời thường. Dụng cụ đi soi gồm cái bình bằng đồng nhỏ cỡ trọn nắm tay người lớn, bên trong đựng khí đá bỏ thêm chút nước mồi lửa khè ra cái choá, mâm (cũng bằng đồng như choá xe hơi để ánh sáng lan toả và quét xa dễ thấy vào ban đêm) trên đầu "thợ soi" đeo cái vòng có gắn bóng đèn nối với cái bình ắc qui đeo bên hông, bên hông còn lại đeo cái giỏ tre lớn để đựng cá, lươn... bắt được nhờ ngọn trúc dài cỡ hai thước có gắn cái chĩa ba trên ngọn trúc. Phải là thợ giỏi, kinh nghiệm mới biết soi đèn xuống mương rạch, đồng ruộng và canh chặn đầu hướng con cá, con lươn để phóng mũi chĩa ba đúng hướng chạy của nó theo phản xạ khi thợ phóng "mũi giáo" vô thân mình nó. Nếu không thì chỉ cắm ngọn trúc dưới bùn lầy nước trong đục lờ mờ của đêm tối thanh vắng cùng âm thanh của cóc, ếch, nhái, ểnh ương, kêu inh ỏi.

Bến Tre nổi tiếng xứ dừa, nên cứ tầm hai ba tháng là người dân xứ tôi có được vài công đất do ông bà cha mẹ để lại, thì thuê thợ hoặc tự tay leo lên những ngọn dừa cao chót vót lung lay trong gió để bẻ dừa đem bán cho những thương lái. Thợ hái dừa phải có sức khỏe, gan dạ và kinh nghiệm mới leo trèo cao lên thân dừa đung đưa, cao chót vót giữa không trung bằng "cái nài" làm từ những sợi dây của thân cây chuối, đan lại, phơi vừa dẻo khô như sợi dây thừng to bằng ngón chân cái người lớn. Thợ mắc cái nài vô hai cổ chân bám vào thân dừa từ dưới, hai tay ôm chặt, một tay bám lên trên thân dừa, một tay để làm đòn bẩy phía dưới hai chân đẩy lên lấy đà nhịp nhàng với đôi chân búng từ từ lên ngọn dừa cao ngút....

Quê hương Cái Mơn thân yêu của tôi mãi mãi là hình ảnh đẹp, hồn nhiên, vô tư lự của tuổi học trò hoa niên những dịp hè về ngơi nghỉ, vui đùa. Quá nhiều thú vui đơn sơ, giản dị đậm chất thôn dã từ những chú gà nòi, gà tre với đủ sắc màu, con giống mà lái gà nuôi bán cho mấy tay chuyên chọi gà hay làm thú nuôi gà tiêu khiển. Những bầy cá lia thia xanh đỏ, vàng bơi lội vui mắt, cá xiêm, cá phướn còn đem chọi nhau tưng bừng không thua gì các chú dế than, dế lửa...

Nhớ lắm những người bạn hiền lành, thẳng thắn "có sao nói vậy người ơi" đậm nét người dân quê chân chất, giản dị, hồn nhiên...Những người bạn mà cách này đã 46 năm dài đằng đẵng tôi từng học năm lớp 8 ở những năm tháng dữ dội của mấy năm đầu sau 1975, đất nước còn khó khăn nhiều mặt. Họ vẫn nhiệt tình, hiếu khách khi bắt được liên lạc với tôi qua sự phát triển văn minh tiến bộ của công nghệ ngày nay là cái..."alo thông mình" qua mạng xã hội facebook, zalo... Những người bạn nam cũng như nữ từ thời còn "trẻ trâu" quen miệng cứ gọi nhau bằng "mầy tao" nhưng thân thiện dù trên đầu "tóc muối" nhiều hơn "tóc tiêu" và con cháu đã đủ đầy. Những hoài niệm đó cứ theo tôi mãi cùng năm tháng cho đến tận bây giờ không quên...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.