Lâu lắm rồi, thời tuổi trẻ chưa trải sự đời, tôi chỉ biết thỏa thuê nhìn ngắm phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp khi được theo gia đình đến Vĩnh Long. Thật tuyệt vời, thật dễ chịu. Đơn giản là một cảm giác tươi mới trong lòng, sau những tháng ngày sống ở thành phố đầy xô bồ, náo động. Và cũng thật lạ, màu đỏ ngói lại thu hút tôi, đưa tôi đến một thế giới mới chưa từng biết đến. Lò gạch Mang Thít, thứ tôi chỉ mới được nghe vài lần trong đời, nay hiển hiện trước mắt. Lò gạch bình dị đây sao? Từ một nơi nhỏ bé thế này có thể cho ra màu đỏ chói kia sao? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời đối với một du khách nhưng lại là hiển nhiên đối với cả một nền văn hóa.
“Vĩnh Long là nơi làm ra gạch ngói đó con”. Tôi vẫn nhớ như in câu giới thiệu đầy tự hào của một bác “thổ địa” nơi đây. Niềm tự hào đó có lẽ còn lớn hơn nhiều sự rạng danh đơn thuần. Cái tên Vĩnh Long lúc đó đối với tôi thật bí ẩn và đáng để khám phá vùng đất này. Lúc đó, hình ảnh các lò gạch nằm dọc theo kênh mà tôi được nghe kể kích thích tôi ghê gớm. Miền đất đầy những màu đỏ của nỗi nhớ, nay còn đâu? Tôi tự hỏi mà lòng đầy nghi ngại.
Lò gạch Mang Thít ở Vĩnh Long |
“Vương quốc đỏ” vẫn sống, vẫn tồn tại. Nghề sản xuất gạch ngói ở Vĩnh Long giờ đây tuy đã có phần lắng dịu so với xưa kia nhưng vẫn còn đó màu đỏ huyền bí. Làng gạch ngói Vĩnh Long vẫn còn đây, vẫn sống mãi với thời gian. Nghề truyền thống gạch ngói của tỉnh đã có lịch sử lâu đời 100 năm, nay càng được hun đúc và phát triển. Đó là di sản, là nét kiến trúc độc đáo không đâu có dược.
Làng nghề gạch ngói Vĩnh Long giờ đây vẫn hút hồn du khách. Thử hỏi, ai thấy những viên gạch mang màu đỏ ấy lại không ngỡ ngàng? Vì sự chi li, hoàn thiện đến không ngờ. Chỉ là viên gạch mà thôi nhưng ý nghĩa lớn lao lắm. Từ những tảng đất thô sơ trở thành sản phẩm gạch hữu ích cho người dân. Đến Vĩnh Long, vào làng gạch, thấy những miệng lò nhấp nhô trông rất ấn tượng. Tôi nhớ câu chuyện được kể năm xưa: gạch ngói Vĩnh Long cứ sản xuất ra viên nào là có ghe đến lấy viên đó. Chiếc ghe trĩu nặng sản phẩm gạch truyền thống, theo đường sông chuyên chở đi muôn nơi. Hồi đó, gạch Vĩnh Long là thương phẩm loại tốt. Màu đỏ rực như ngọn lửa bập bùng cháy trên những chiếc ghe hiển hiện suốt trên đường sông, đậu kín cả sông Mang Thít, Cổ Chiên, kênh Thầy Cai.
Đó là thời hoàng kim của gạch Vĩnh Long. Cũng chỉ cách đây không xa lắm. Một nghề truyền thống như vậy, nay vẫn còn giữ được nét văn hóa đó, vừa sản xuất vừa phục vụ khách du lịch tham quan. Cũng phải thôi, hồi trước đất đai dồi dào, màu mỡ, nguyên liệu làm gạch thừa cung cấp. Còn bây giờ, nước ta hướng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đó là điều tất cả ngành nghề buộc phải đi theo, không riêng gì các làng nghề sản xuất gạch. Tất nhiên, trong phát triển kinh tế phải có văn hóa, nghề làm gạch ở Vĩnh Long vẫn còn tồn tại, còn giữ gìn dù năm tháng trôi qua, dù đất nước ngày càng hội nhập.
Từ trên cao, làng gạch cổ như một thế giới cổ tích |
Khánh Phan |
Nhìn những người thợ cần mẫn dỡ từng viên gạch mới, trong lòng du khách phương xa bỗng thấy bâng khuâng, hoài niệm. Gạch Vĩnh Long đấy sao? Sản phẩm nổi tiếng cứng chắc, bền vững với thời gian đây sao? Phải rồi, nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm, nhìn nét mặt tươi vui không mệt mỏi của người thợ thủ công mới biết họ dồn cả tâm huyết vào sản phẩm của mình. Họ mang cả cái hồn, cả tinh túy cha ông truyền lại vào viên gạch nên sản phẩm mới tốt như thế. Không phải chỉ ngày một ngày hai là ra gạch, người thợ phải kiểm tra, canh lửa rất kỹ lưỡng để gạch chín vừa đúng. Cứ thế đằng đẵng một tháng rưỡi mới cho gạch đúng chuẩn. Họ cũng không ngại chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình với anh em trong nghề, tận tình hướng dẫn du khách cùng tham quan trải nghiệm. Đó chính là điều đáng quý trong cuộc sống ngày nay.
Nghề gạch nung của Vĩnh Long giờ đây tuy quy mô nhỏ hơn nhưng sự nổi tiếng xa gần vẫn còn đó. Sản phẩm này đang có hướng trở thành di sản đương đại, đó là điều ai cũng muốn, ai cũng mong mỏi. Hình ảnh những lò gạch nhuốm màu thời gian, đánh động những con người thời đại ngày nay cần chung tay hành động. Nghĩ đến môi trường cũng cần song hành với nghĩ đến văn hóa. Bài toán đó để tìm ra đáp án tối ưu cần có công cụ là khoa học công nghệ. Mang Thít, Thầy Cai..., những cái tên đã in dấu trong con người thời đó, nay lại vươn mình đứng dậy...
Bình luận (0)