Khối A1 chiếm ưu thế
Ghi nhận thực tế từ các trường THPT cho thấy, tỷ lệ học sinh (HS) TP.HCM có xu hướng chọn bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) áp đảo HS chọn bài thi khoa học xã hội (KHXH) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Chẳng hạn, tại Trường THPT Trường Chinh (Q.12) có 18 lớp 12 thì qua thăm dò có 14 lớp HS dự định chọn bài thi KHTN. Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), trong tổng số 638 HS lớp 12 thì chỉ có 90 HS (chiếm khoảng 15%) có dự định chọn bài thi KHXH. Và cũng theo kết quả thăm dò về việc chọn tổ hợp môn xét tuyển ĐH, với 15 lớp 12 thì khối A, khối B có cùng số HS lựa chọn, mỗi khối 3 lớp, khối D có 4 lớp và khối A1 là 5 lớp.
Kết thúc học kỳ 1, học sinh lớp 12 sẽ bắt đầu giai đoạn vừa học vừa chuẩn bị kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Còn Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn) có 11/13 lớp 12 HS dự định chọn bài thi KHTN. Về khối thi thì có 2 lớp chọn khối B, 2 lớp chọn khối D, còn lại 9 lớp thi khối A, A1 trong đó khối A1 nhỉnh hơn khối A.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), thông tin trong 16 lớp cuối cấp thì có 9 lớp chọn bài thi KHTN, trong đó có 7 lớp chọn tổ hợp khối A1. Còn 7 lớp chọn bài thi KHXH thì hầu hết HS đều chọn tổ hợp môn thi khối D.
Ông Trần Nghĩa Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú (Q.6), cũng cho biết trường có 10 lớp chọn bài thi KHTN và 5 lớp chọn bài thi KHXH. Trong đó, 1 lớp HS định hướng chọn tổ hợp môn thi khối C, còn lại chủ yếu là khối A1, A, D.
Trước số liệu ghi nhận của các trường THPT về xu hướng HS lựa chọn bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và chọn tổ hợp môn xét tuyển ĐH, ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cho hay HS TP.HCM thường có xu hướng chọn bài thi thuộc lĩnh vực tự nhiên có thể xuất phát từ việc định hướng ngành nghề kinh tế, kỹ thuật, công nghệ nhiều hơn so với các ngành thuộc khối xã hội nhân văn. Đặc biệt HS chọn ôn tập khối A1 nhỉnh hơn là do nhiều trường ĐH, nhiều ngành xét tuyển tổ hợp môn toán, tiếng Anh, vật lý.
Còn thay đổi lựa chọn đến giữa học kỳ 2
Theo quy định, thường vào tháng 4, HS lớp 12 mới bước vào giai đoạn làm hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT và quyết định chính thức bằng việc đăng ký bài thi tự chọn. Chính vì vậy, lãnh đạo các trường nói rằng, trên nguyên tắc, thời gian tới nếu HS có nhu cầu thay đổi thì nhà trường vẫn đáp ứng.
Bà Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, cho biết đến giữa học kỳ 2 nhà trường vẫn cho HS thay đổi. Tương tự, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú (Q.6) cũng nói HS tự quyết định việc lựa chọn bài thi cho kỳ thi tốt nghiệp. Nhà trường tạo điều kiện tối đa khi các em có nhu cầu thay đổi.
Ông Huỳnh Thanh Phú cho biết cuối năm lớp 11 nhà trường đã tiến hành thăm dò nguyện vọng của HS. Sau đó, biên chế HS vào lớp 12 căn cứ theo định hướng bài thi tự chọn và tổ hợp khối thi xét tuyển. Kết thúc học kỳ 1, sau khi có kết quả kiểm tra, nhà trường cho HS chuyển đổi ban một lần nữa. “Trên nguyên tắc thì trường nói đây là đợt chuyển ban lần cuối để sau thời gian này các em tập trung cho việc hoàn tất chương trình, hệ thống kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi vào tháng 7. Nhưng vì quyền lợi của HS, nếu các em có nhu cầu đặc biệt thì vẫn phải tạo điều kiện để các em có cơ hội phát huy năng lực”, ông Phú nhấn mạnh.
Học sinh TP.HCM có xu hướng chọn bài thi KHTN trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới |
đào ngọc thạch |
Xây dựng chiến lược ôn tập
Căn cứ vào định hướng HS chọn khối thi, lãnh đạo các trường THPT cho hay sẽ bố trí số tiết học phù hợp. Bà Ánh Mai cho biết kế hoạch của Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu là kết thúc chương trình, kiểm tra học kỳ 2 vào tháng 4. Sau đó, nhà trường dành trọn tháng 5, 6 cho việc ôn tập 6 môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT các buổi sáng với tổng số 25 tiết/tuần, buổi chiều dành cho việc tự học.
Cũng để có sự chuẩn bị tốt nhất cho HS, ông Nguyễn Hùng Khương cho hay trong học kỳ 2, chạm đến kiến thức nào thì giáo viên kết hợp nhắc nhở, củng cố luôn những kiến thức liên quan. Khi HS hoàn tất chương trình thì chính thức bước vào giai đoạn ôn tập theo chuyên đề.
Còn theo kế hoạch của Trường THPT Bình Phú, sau khi hoàn tất chương trình, HS chỉ học một buổi, khoảng 30 tiết/tuần. Riêng những HS còn yếu, nhà trường phân công giáo viên phụ đạo 3 buổi chiều trong tuần, những HS còn lại tự học tại nhà.
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú cho hay: “Từ thăm dò HS, nhà trường sắp xếp tăng cường giờ luyện tập các môn trong từng khối thi để các em có số điểm xét tuyển ĐH như các em mong muốn; đồng thời phân bổ chương trình sao cho hài hòa. Vào tháng 4, HS sẽ tập trung cho các môn chính của khối thi để nâng cao hiệu quả, hiệu suất làm bài trong kỳ thi tốt nghiệp THPT”.
Bình luận (0)