Xu hướng mới trong điện ảnh châu Á

04/12/2017 14:00 GMT+7

Thách thức hiện này là làm cách nào tối ưu hóa công nghệ để thể hiện nội dung nhằm tác động đến cảm xúc của khán giả.

Cơ quan phát triển truyền thông (IMDA) tổ chức sự kiện Singapore Media Festival 2017 (SMF) từ ngày 23.11 đến 3.12, với sự tham gia của khoảng 20.000 người cùng các nhà làm phim, đạo diễn trong khu vực và thế giới.
Thanh Niên có cuộc phỏng vấn ông Robert Gilby, Chủ tịch Hội đồng cố vấn, người đứng đầu phụ trách SMF về xu hướng mới trong lĩnh vực điện ảnh và công nghệ VR.
* Ông có thể mô tả những công nghệ và xu hướng mới trong ngành truyền thông, điện ảnh châu Á và cơ hội cho giới trẻ trong những năm sắp tới?
- Ngành công nghiệp điện ảnh và truyền thông nói chung ở châu Á phát triển mạnh những năm gần đây. Các nhà làm phim, truyền hình không ngừng tận dụng công nghệ mới để thể hiện câu chuyện của họ, phục vụ khán giả quốc tế cùng lúc giữ vững nét riêng của họ trong khu vực.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đi đầu trong xu hướng theo dõi thông tin, xem phim ảnh trên smartphone và mạng xã hội. Dữ liệu di động hằng tháng ở châu Á - Thái Bình Dương thuộc hàng cao nhất trên thế giới, chiếm 84% (4,12 tỉ GB) trong tổng sống 4,88 tỉ GB trên toàn thế giới. Chính vì thế, công nghệ và internet giúp sản sinh thế hệ nhà làm phim trẻ ở châu Á, những người luôn khát khao thực hiện ý tưởng và dự án mới nhằm hướng đến khán giả toàn cầu chứ không riêng gì khu vực.
Ông Robert Gilby, Chủ tịch Hội đồng cố vấn, người đứng đầu phụ trách SMF Ảnh: BTC SMF cung cấp
* Trong thời đại kỹ thuật số, mọi người đều có thể trở thành nhà làm phim, tạo ra phim ngắn, video và đăng tải thông tin trên internet, nhất là YouTube. Liệu xu hướng này là mối đe dọa đối với lĩnh vực truyền thông và điện ảnh?
- Xu hướng xây dựng nội dung số (tức các loại video, audio, tài liệu trên internet) ngày càng phát triển trong khu vực. Chẳng hạn theo báo cáo của Google, số lượng nội dung video đăng tải trên YouTube tăng gấp đôi trong năm 2016.
Tôi không nghĩ rằng xu hướng này là mối đe dọa, mà là cơ hội phát triển. Công nghệ đã giúp xóa bỏ rào cản, giúp mọi người với chiếc điện thoại, camera có thể thực hiện video để kể lại câu chuyện của họ, cho phép chia sẻ với khán giả khắp nơi trên thế giới vào bất cứ lúc nào. Đây là cơ hội cho các nhà làm phim truyền thống phải thay đổi, tăng cường sự hợp tác và mở rộng mạng lưới, hoạt động để có những sản phẩm tốt hơn phục vụ khán giả.
* Quốc gia nào hiện có ngành công nghiệp phim lớn nhất châu Á? Vì sao Indonesia được chọn là điểm nhấn trong SMF năm 2017? Ông có thể đánh giá ngắn gọn về ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam?
- SMF là nhằm tôn vinh bước phát triển, thành tựu và tăng cường hợp tác trong khu vực châu Á. Năm nay, chúng tôi quyết định chọn Indonesia là “quốc gia trọng điểm” bởi vì Singapore và Indonesia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương và ngoại giao. Bên cạnh đó, nền điện ảnh Indonesia cũng có nhiều thành tựu phát triển trong những năm gần đây.
Phim do Hàn Quốc và Trung Quốc sản xuất có số lượng người xem vào dạng nhiều nhất trong khu vực và thế giới. Thị trường phim ảnh ở Đông Nam Á, chẳng hạn Việt Nam, cũng cho thấy tiềm năng phát triển đáng kể. Thậm chí công ty giải trí Hàn Quốc CJ E&M đã quan tâm, chú ý đến ngành điện ảnh Việt Nam. CJ E&M đã theo đuổi mô hình hợp tác sản xuất Hàn-Việt, chẳng hạn Để mai tính (2014) mang về doanh thu bán vé 1,8 triệu USD. Bên cạnh đó, Việt Nam có 3 phim được trình chiếu tại liên hoan phim Cannes năm nay. Một trong số đó là Taste (Vị) từng đạt giải “Dự án đầy hứa hẹn nhất” trong Liên hoan phim quốc tế Singapore 2016 nằm trong chuỗi sự kiện của SMF. Thông qua SMF, chúng tôi muốn tiếp tục quảng bá hình ảnh và nền công nghiệp điện ảnh châu Á ra thế giới.
Trải nghiệm thao tác trong phòng cấp cứu tại quầy triển lãm của Công ty Side Effects Asia Pacific (SideFX) ở sự kiện SMF Ignite Ảnh Phúc Duy
* Vì sao thực tế ảo (VR) là xu hướng công nghệ mới nổi và chủ đề trọng tâm trong tuần lễ SMF?
- Công nghệ VR hiện được khai thác trong nhiều lĩnh vực ngoài giải trí như giáo dục và y tế. Chẳng hạn, công ty Side Effects Asia Pacific (SideFX) đã phát triển thiết bị công cụ VR giúp đào tạo và thực hành thao tác cấp cứu. Hãng Beach House Pictures phối hợp với công ty khởi nghiệp Hiverlab chuyên về VR phát triển và thử nghiệm chương trình giáo dục cho học sinh tiểu học.
Đối với điện ảnh, các nhà làm phim từ chuyên nghiệp cho đến độc lập có thể sử dụng công nghệ VR để tăng cường tính đa chiều cho nội dung cần thể hiện. Nhằm thúc đẩy ứng dụng VR vào sản xuất chương trình truyền thông và phim ảnh, SMF cũng tổ chức sự kiện SMF Ignite, với nhiều hội thảo giới thiệu về các ứng dụng VR tiêu biểu và tạo cơ hội hợp tác cho nhiều công ty trong lĩnh vực đầy hứa hẹn này.
* Liệu VR chỉ giới hạn ở góc nhìn 360 độ và cần phải có thiết bị VR mới có thể xem được nội dung? Trong những năm sắp tới, VR sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của phim điện ảnh, truyền hình và truyền thông?
- Công nghệ VR có thể phát triển hơn nữa nếu được kết hợp với những công nghệ khác bao gồm 3D. Thế mạnh của VR là đưa người dùng vào một môi trường hoàn toàn khác biệt. Chẳng hạn, bạn có thể leo núi ngay trong phòng khách hoặc xem phim kề bên ngôi sao Hàn Quốc hay Hollywood ưa thích. Điển hình là “Notes on Blindness: Into Darkness”, một dự án VR giúp người xem trải nghiệm cảm giác thế giới của người khiếm thị một cách sống động nhất. Dự án này được trao nhiều giải thưởng và được trình chiếu tại SMF năm 2016.
Mặc dù chúng ta có nhiều công nghệ, điều cốt lõi là nội dung. Nhiều người có thể am tường về công nghệ, nhưng lại không biết cách tận dụng công nghệ để thể hiện nội dung tốt hơn. Thách thức hiện tại là làm sao có thể tối ưu hóa công nghệ để thể hiện nội dung, câu chuyện có sức ảnh hưởng đến khán giả về mặt cảm xúc.
* Một số chuyên gia cho rằng những video nội dung ngắn hay phim ngắn trên internet có thể thay đổi hành vi khán giả, khiến nhiều người không đủ kiên nhẫn để xem video với nội dung dài. Trong khi đó, nhiều nhà làm phim cũng có xu hướng chuyển sang làm phim ngắn, vốn dễ thực hiện và ít tốn kinh phí lại có thể thu hút nhiều nhà quảng cáo. Ông nhận xét gì về vấn đề này?
- Trái với quan điểm này, tôi nghĩ rằng nhiều người ở châu Á vẫn dành nhiều thời gian để xem các nội dung, chẳng hạn phim truyền hình nhiều tập Hàn Quốc hoặc phim dài tập trên Netflix. Ở Singapore, 81% khán giả vẫn xem TV, theo nghiên cứu Chỉ số Truyền thông 2017 của hãng Nielsen.
Theo nghiên cứu này, người dân Singapore trung bình dành ra 2,5 giờ xem TV mỗi ngày, đa phần là phim truyền hình. Phim và video là xu hướng mới, tiếp tục thu hút người xem, nhưng nội dung truyền thông, phim điện ảnh hoặc truyền hình dài tập vẫn tiếp tục chiếm vị thế riêng trong lòng khán giản khắp thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.