Cụ thể, tổng số email độc hại bị hệ thống Anti-Phising của Kaspersky chặn trong năm 2022 là 17.847.857 lượt, trong đó có 1.569.005 lượt tấn công nhắm vào doanh nghiệp và 16.278.852 lượt còn lại nhằm vào người tiêu dùng tại Việt Nam.
Ngoài ra, số liệu từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, trong vòng 11 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 11.213 vụ tấn công mạng tại Việt Nam. Đáng chú ý, số vụ tấn công lừa đảo chiếm tới 35% tổng số vụ, cho thấy mức độ nghiêm trọng và phạm vi tấn công của tội phạm mạng đã không ngừng được mở rộng trong thời gian qua.
Ông Adrian Hia, Giám đốc Điều hành Kaspersky khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Trong những năm qua, chính quyền và các doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam đã có những nỗ lực và tiến bộ đáng kể trong việc tạo ra một môi trường kỹ thuật số an toàn. Tuy nhiên, các mối đe dọa đối với an toàn thông tin và an ninh mạng vẫn tồn tại, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng như người dùng cá nhân phải thường xuyên cảnh giác. Số liệu thống kê mới nhất của chúng tôi tại các quốc gia cho thấy tội phạm mạng vẫn đang tiếp tục sáng tạo những chiêu thức lừa đảo mới, nhắm đến người dùng cá nhân cũng như doanh nghiệp. Chính vì thế, chúng ta cần tiếp tục cố gắng bảo vệ tài sản và dữ liệu trực tuyến của mình".
Tấn công lừa đảo (Phising) là loại hình trong đó tội phạm cố lấy thông tin nhạy cảm, chẳng hạn như tên người dùng, mật khẩu và dữ liệu tài chính của người dùng bằng cách giả dạng thành chủ thể đáng tin cậy. Các cuộc tấn công này thường liên quan đến việc sử dụng email, tin nhắn văn bản hoặc trang web lừa đảo được thiết kế để lừa người nhận tiết lộ thông tin.
Trên thực tế, không chỉ Việt Nam chứng kiến số lượng lớn các cuộc tấn công lừa đảo mà các nước khác ở khu vực Đông Nam Á cũng gặp phải trường hợp tương tự trong những năm qua.
Vào năm 2022, các trang mạo danh dịch vụ vận chuyển có tỷ lệ người dùng nhấp chuột vào các liên kết lừa đảo bị giải pháp của Kaspersky ngăn chặn chiếm tỷ lệ cao nhất với 27,38%. Các cửa hàng trực tuyến, đồng thời cũng là nơi quen thuộc với những kẻ tấn công trong thời kỳ đại dịch, chiếm vị trí thứ hai với 15,56%. Hệ thống thanh toán (10,39%) và ngân hàng (10,39%) lần lượt xếp thứ ba và thứ tư.
Một số bước phòng ngừa mà người dùng nên thực hiện:
- Tìm hiểu cách nhận biết các cuộc tấn công lừa đảo: Hãy đảm bảo bạn đã quen thuộc với hình thức của tất cả các loại tấn công lừa đảo và xóa ngay lập tức khi nhận thấy những dấu hiệu này.
- Báo cáo các cuộc tấn công lừa đảo: Điều này sẽ cho phép các công ty tăng cường bảo mật và đảm bảo an toàn cho tài khoản của khách hàng.
- Cài đặt phần mềm chống virus và chống lừa đảo: Hầu hết các công ty bảo mật đều có phần mềm tích hợp sẵn các thành phần chống lừa đảo. Các phần mềm này sẽ cho phép lọc tin nhắn lừa đảo dưới dạng thư rác, vì thế người dùng thậm chí không nhìn thấy chúng. Đảm bảo sử dụng chương trình chống virus để loại bỏ mọi virus trên máy tính, đồng thời giúp khắc phục mọi thiệt hại nếu có bất kỳ kẻ xấu nào cài đặt phần mềm độc hại trên thiết bị.
Bình luận (0)