Xử lý chuyển hướng với trẻ em phạm tội cần có sự đồng ý của bị hại?

23/10/2024 10:43 GMT+7

Ủng hộ việc quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên phạm tội, nhưng đại biểu đề nghị cần có thêm sự đồng ý của phía bị hại.

Sáng 23.10, kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc với phiên thảo luận của các đại biểu về dự án luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, được đánh giá là thể hiện sự nhân văn trong việc xử lý người chưa thành niên phạm tội.

Xử lý chuyển hướng với trẻ em phạm tội cần có sự đồng ý của bị hại?- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp

ẢNH: GIA HÂN

Xử lý chuyển hướng nên có sự đồng ý của bị hại?

Cho ý kiến, đa số các đại biểu đều ủng hộ việc xây dựng luật, trong đó có quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng. Tuy vậy, có đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm về điều kiện cũng như quá trình áp dụng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) kiến nghị khi áp dụng biện pháp chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội thì cần phải có sự đồng ý của phía bị hại.

Ông Hòa lấy ví dụ trường hợp gây thương tích nghiêm trọng, bị hại muốn người phạm tội bị phạt tù nhưng pháp luật lại quy định đưa vào trường giáo dưỡng thì "không hợp lý lắm".

Theo ông, các biện pháp xử lý chuyển hướng là rất nhân văn và sẽ hợp lý khi bị hại cũng đồng tình áp dụng. Ngược lại, trường hợp bị hại không nhất trí thì sẽ khó khăn khi triển khai. Vì thế, ông cho rằng cần nghiên cứu thêm về nội dung này.

Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, khác với tố tụng dân sự (quyền tự định đoạt thuộc về các đương sự), trong tố tụng hình sự, việc xử lý người phạm tội thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, khả năng giáo dục, phục hồi, Nhà nước quy định chính sách xử lý phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Việc quy định mọi biện pháp xử lý chuyển hướng chỉ được áp dụng khi có sự đồng ý của bị hại là không phù hợp với quan hệ pháp luật hình sự và sẽ dẫn tới chính sách nhân văn này hầu như sẽ không được thực thi trên thực tế. Bộ luật Hình sự hiện hành cũng không quy định mọi biện pháp giám sát, giáo dục chỉ được áp dụng khi có sự đồng ý của bị hại.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu và bổ sung điều kiện áp dụng "khi có sự đồng thuận của bị hại hoặc người đại diện của họ" đối với 2 biện pháp xử lý chuyển hướng gồm xin lỗi bị hại và bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ, đây là những biện pháp nếu không có sự đồng ý của bị hại thì không thể triển khai được trên thực tế.

Xử lý chuyển hướng với trẻ em phạm tội cần có sự đồng ý của bị hại?- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng

ẢNH: GIA HÂN

Lo ngại tội phạm dưới 18 tuổi sẽ gia tăng

Cùng cho ý kiến về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nói, thời gian qua, tình hình người chưa thành niên phạm tội ngày càng gia tăng. Có những vụ hành vi phạm tội rất manh động.

Với bối cảnh trên, dự thảo luật chỉ quy định không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong trường hợp phạm các tội giết người, hiếp dâm và ma túy, như vậy là chưa đủ.

Ông Tạo lo ngại quy định như dự thảo sẽ dẫn tới nguy cơ gia tăng người chưa thành niên phạm tội, thậm chí sẽ có những băng nhóm chỉ sử dụng người dưới 18 tuổi để gây án, từ đó gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Vị đại biểu đoàn Lâm Đồng đề nghị mở rộng phạm vi không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, với một số tội danh khác như cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, đua xe trái phép…

Đặc biệt, ông Tạo đề nghị quy định về điều kiện bắt buộc khi áp dụng biện pháp chuyển hướng, đó là người phạm tội phải khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại, đồng thời phía bị hại phải đồng ý áp dụng xử lý chuyển hướng.

Theo đại biểu, quy định như trên sẽ phù hợp và thống nhất với quy định hiện hành tại bộ luật Hình sự. Việc này còn thể hiện sự ăn năn hối cải của người phạm tội, hài hòa lợi ích giữa người phạm tội, bị hại và xã hội. Nếu quá dễ dãi, không những không đạt được mục đích giúp người chưa thành niên phạm tội sửa chữa, khắc phục sai lầm mà còn có nguy cơ khiến họ tiếp tục lao vào con đường phạm tội.

Đồng quan điểm với đại biểu Tạo, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cũng đề nghị không áp dụng xử lý chuyển hướng đối với trường hợp người chưa thành niên phạm tội với vai trò chủ mưu, có tính chất côn đồ, cố ý gây thương tích dẫn đến chết người…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.