Kháng nghị không cho phạt tiền 10 bị cáo
Theo đó, Viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo hướng hủy một phần bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM và hủy một phần bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai.
Từ đó không áp dụng hình phạt chính là phạt tiền đối với 10 bị cáo: Lê Thanh Tú (Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vân Trúc), Nguyễn Thanh Tân (kinh doanh xăng dầu), Phạm Thị Hương (Giám đốc Công ty TNHH dầu khí Thanh Bình), Lê Thị Anh Thư (Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Biên Khoa), Trần Huy Lập (Giám đốc Công ty CP nhiên liệu Phúc Lâm), Phạm Thị Cúc (Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ xăng dầu Tài Lộc), Nguyễn Thanh Bình (Giám đốc Công ty Best Oil), Lê Hùng Phong (Giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Vĩnh), Nguyễn Thị Như Mỹ (Giám đốc Công ty TNHH Việt Khánh An), Nguyễn Thăng Long (Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu 55555).
Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, tòa sơ thẩm và phúc thẩm áp dụng xử phạt dưới khung của khoản 4 điều 188 bộ luật Hình sự, chuyển từ hình phạt tù sang hình phạt chính là phạt tiền đối với 10 bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật.
Kháng nghị giám đốc thẩm nêu 10 bị cáo đều phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (khung hình phạt từ 12 - 20 năm tù), không đủ điều kiện áp dụng hình phạt chính là phạt tiền. Đồng thời, 10 bị cáo này cũng không đủ điều kiện áp dụng điều 54 bộ luật Hình sự, tức được xử dưới khung hình phạt bị truy tố, xét xử.
Vì vậy, việc tòa xử phạt tiền đối với 10 bị cáo là chủ doanh nghiệp mua, nhập lậu xăng dầu vừa không đúng nguyên tắc phân hóa, phân loại trong xử lý tội phạm có đồng phạm, vừa không công bằng đối với các bị cáo khác thuộc nhóm giúp sức trong vụ án.
Áp dụng pháp luật không công bằng
Ngoài ra, bản kháng nghị dẫn chứng so sánh ngay trong vụ án, rằng bị cáo Trần Anh Tuấn là người giúp sức cho Trần Huy Lập nhưng tòa sơ thẩm lại xử phạt tiền với chủ doanh nghiệp - bị cáo Lập, còn Tuấn tuyên phạt tù. Hay tòa phúc thẩm xử phạt tiền chủ doanh nghiệp Lê Thanh Tú nhưng xử phạt tù 2 năm đối với người giúp sức cho Tú là Trần Văn Du, Nguyễn Văn Nghĩa, Ngô Minh Nhớ.
Bên cạnh đó, kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao phân tích 10 bị cáo nói trên đều là chủ doanh nghiệp, biết nguồn xăng nhập lậu nhưng vẫn bàn bạc cách thức giao nhận, lấy xăng và thanh toán tiền, hứa hẹn với nhau việc mua bán xăng lậu; các bị cáo đều thuộc nhóm phân phối trong đường dây buôn lậu, phạm tội trong thời gian dài, phạm tội có tổ chức, có nguồn thu lợi lớn từ hoạt động kinh doanh xăng lậu. Vì vậy, việc tòa áp dụng hình phạt chính là phạt tiền vừa không đúng quy định vừa không có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.
Trước đó, theo bản án sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai đã áp dụng hình phạt chính là phạt tiền đối với 6 bị cáo là giám đốc, mua xăng nhập lậu để bán ra thị trường, gồm: Trần Huy Lập 5 tỉ đồng, Phạm Thị Cúc 4 tỉ đồng, Nguyễn Thanh Bình 3 tỉ đồng, Lê Hùng Phong 2 tỉ đồng, Nguyễn Thị Như Mỹ 2 tỉ đồng, Nguyễn Thăng Long 2 tỉ đồng, cùng về tội "buôn lậu".
Đối với 4 bị cáo còn lại được TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm chuyển từ hình phạt tù sang phạt tiền, gồm: Lê Thanh Tú 3 tỉ đồng, Nguyễn Thanh Tân 3 tỉ đồng, Phạm Thị Hương 1,5 tỉ đồng, Lê Thị Anh Thư 2,5 tỉ đồng. Trước đó, khi xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt Tú 5 năm tù, Tân 6 năm tù, Hương 3 năm tù, Thư 4 năm tù.
Vẫn có ngoại lệ nếu đủ điều kiện
Theo ông Trần Văn Độ (nguyên Phó chánh án TAND tối cao), điều 35 bộ luật Hình sự nêu phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp "người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng; người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do bộ luật này quy định".
Do đó, người phạm tội bị xét xử ở khoản 4 điều 188 bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tức tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thì về cơ bản sẽ không được áp dụng hình phạt chính là phạt tiền.
"Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ của điều 35 nếu người phạm tội đủ điều kiện áp dụng điều 54 bộ luật Hình sự, tức được xử dưới khung hình phạt và có thể là phạt tiền", ông Trần Văn Độ cho biết và nói thêm điều kiện của điều 54 là "người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự, hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể".
Từ phân tích trên, ông Trần Văn Độ khẳng định người phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng vẫn được áp dụng hình phạt chính là phạt tiền nếu đủ điều kiện áp dụng thêm điều 54 bộ luật Hình sự.
Tháng 4.2023, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã giảm án cho bị cáo Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh), cầm đầu đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng, từ 17 xuống 13 năm tù. Có vai trò tương đương, bị cáo Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) cũng được giảm từ 16 xuống 15 năm tù. Trong vụ án còn có 72 đồng phạm khác.
Bản án xác định từ tháng 3.2020 đến tháng 2.2021, nhóm Hữu và Viễn đã dùng các tàu Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn), Western Sea (5.000 tấn) vận chuyển 48 chuyến xăng lậu với tổng cộng hơn 198 triệu lít, trị giá gần 2.600 tỉ đồng về VN. Trong đó, nhóm này đã tiêu thụ hơn 197 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỉ đồng, riêng bị cáo Hữu hưởng hơn 156 tỉ đồng...
Vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu được xác định là giai đoạn 1 Chuyên án 920G, còn giai đoạn 2 vẫn đang ở giai đoạn điều tra, truy tố.
Thêm một vụ được phạt tiền khi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng
Trong vụ án đường dây buôn lậu laptop và iPhone từ Mỹ về VN bị triệt phá năm 2020, hồi tháng 7.2023, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt tiền bị cáo Bùi Hữu Lộc (quốc tịch Mỹ) 1,5 tỉ đồng về tội "buôn lậu".
Bị cáo Bùi Hữu Lộc bị truy tố và xét xử ở khoản 4 điều 188 bộ luật Hình sự, phạm tội với vai trò chính trong vụ án. Tuy nhiên, bị cáo có 2 tình tiết giảm nhẹ là "phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại, và người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải", đồng thời bị cáo có khả năng tài chính để thi hành phạt tiền nên HĐXX áp dụng điều 54 bộ luật Hình sự để xử dưới khung hình phạt, và tuyên phạt tiền với bị cáo. Bị cáo Lộc bị tạm giam 3 năm 5 tháng 8 ngày.
Trong vụ án, bị cáo Phan Tấn Phát, với vai trò đồng phạm giúp sức cho Lộc bị tòa tuyên phạt 3 năm 5 tháng 8 ngày tù (bằng thời gian tạm giam).
Bình luận (0)