Xử lý điểm ngập ở cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Quế Hà
Quế Hà
15/08/2023 18:33 GMT+7

Một trong các giải pháp chống ngập cho cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây mà chủ đầu tư đưa ra trước mắt là phải nạo vét sông Phan và các kênh mương xung quanh điểm ngập ở cao tốc.

Liên quan đến điểm ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại km 25+419, trưa ngày 15.8, trả lời PV Thanh Niên, ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây (Ban QLDA Thăng Long, chủ đầu tư) cho biết, trong tuần này sẽ tiến hành việc thanh thải kênh mương và sông Phan cũng như các đoạn suối bên ngoài đường cao tốc để chống ngập.

Ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chọn đỉnh lũ năm 1992 đúng không ? - Ảnh 1.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn bị ngập, nhìn từ trên cao

QUẾ HÀ

Vẫn chưa triển khai nạo vét khu vực ngập cao tốc

Theo ông Đặng Hùng Thái, giải pháp chống ngập gồm 2 giai đoạn. Trước mắt là phải chống ngập. Đối với việc chống ngập, Ban QLDA đã đề nghị các nhà thầu tập trung nạo vét trong dự án, sau đó thanh thải sông suối bên ngoài dự án. Khi mưa nước tràn về sẽ không còn ứ đọng và ngập đường cao tốc như từng xảy ra vào ngày 29.7.

Ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chọn đỉnh lũ năm 1992 đúng không ? - Ảnh 2.

Con suối từ điểm cao tốc bị ngập chảy ra sông Phan dự kiến được nạo vét từ ngày 18.8

QUẾ HÀ

Cũng theo ông Thái, vào ngày mai (16.8), phía tư vấn sẽ đưa ra được phương án nạo vét. Sau đó, Ban QLDA sẽ thống nhất với Sở GT-VT, Sở NN-PTNT Bình Thuận và địa phương một số nội dung để đưa máy móc vào thi công. Chậm nhất, vào sáng thứ 6 tuần này (tức ngày 18.8) sẽ tiến hành việc thanh thải kênh mương và sông Phan, đoạn hạ lưu điểm ngập.

"Ngoài ra, Ban QLDA đã mời tư vấn độc lập khảo sát lại toàn bộ lưu vực và các thông số đỉnh lũ sông Phan và họ vừa mới hoàn thành việc khảo sát các thông số lưu vực hai ngày nay. Đến ngày 22.8 này, phía tư vấn độc lập mới chạy mô hình toán, sau đó trình cho Ban Thăng Long (chủ đầu tư), lúc đó mới đưa ra được phương án chính thức để quyết định giải pháp lâu dài"- ông Thái nói.

Ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chọn đỉnh lũ năm 1992 đúng không ? - Ảnh 3.

Cống thoát lũ duy nhất tại vị trí ngập cao tốc được thiết kế chỉ rộng 2,5 m

QUẾ HÀ

Tư vấn thiết kế có "nhầm" về thông số đỉnh lũ ở sông Phan ?

Tại buổi làm việc do Sở GT-VT Bình Thuận chủ trì vào chiều 31.7, đại diện tư vấn thiết kế (gói thầu cao tốc có vị trí bị ngập tại Km 25) của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cho rằng đã tính toán dựa trên thông số của đỉnh lũ được điều tra là năm 1992 để thiết kế nền đường đoạn này. Theo đơn vị tư vấn thiết kế, đỉnh lũ năm 1992 của lưu vực sông Phan dâng cao 43,14 m.

Tuy nhiên, ngay tại cuộc họp, Chủ tịch UBND xã Sông Phan Nguyễn Đình Hoan đã khẳng định đỉnh lũ sông Phan không phải năm 1992 như tư vấn thiết kế điều tra, mà đỉnh lũ sông Phan xảy ra vào năm 1999.

Ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chọn đỉnh lũ năm 1992 đúng không ? - Ảnh 4.

Cầu cao tốc bắc qua sông Phan, cách vị trí ngập khoảng 300 m

Q.H

Để làm rõ thông tin này, PV Thanh Niên đã nhiều ngày đi tìm hiểu đỉnh lũ lưu vực sông Phan để có các thông số chính thức từ cơ quan chuyên môn có chức năng thu thập số liệu lũ.

Theo số liệu do Phòng NN-PTNT H.Hàm Tân cung cấp thì từ năm 2010 đến nay (trước thời điểm này chưa có hồ), hồ thủy lợi Sông Phan xả tràn cao nhất là ngày 15.9.2012 với dung lượng 168 m3/s.

Ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chọn đỉnh lũ năm 1992 đúng không ? - Ảnh 5.

Số liệu đỉnh lũ từ năm 1995 do Đài khí tượng thủy văn Bình Thuận cung cấp

QUẾ HÀ

Trong khi đó thời điểm đêm 28.7 (ngập cao tốc rạng sáng 29.7), thời điểm có mưa lớn thì hồ Sông Phan chỉ tự chảy qua tràn 90m3/s. "Như vậy, giả sử hồ Sông Phan xả tràn như năm 2012 với dung lượng 168 m3/s thì khả năng ngập cao tốc sẽ còn sâu hơn"- một cán bộ thủy lợi Phòng NN-PTNT H.Hàm Tân nêu.

Ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chọn đỉnh lũ năm 1992 đúng không ? - Ảnh 5.

Đoạn thép co giãn trên thành cầu sông Phan được thi công khá sơ sài

QUẾ HÀ

Trong khi đó, bản tin dự báo của Đài khí tượng thủy văn Bình Thuận ngày 28.7 chỉ nêu: "Đêm nay và ngày mai, khu vực Bình Thuận chịu ảnh hưởng của rìa phía nam rãnh áp thấp đi qua Bắc bộ. Gió mùa tây nam hoạt động có cường độ trung bình đến mạnh. Mây thay đổi đến nhiều mây, có mưa rào và dông, có nơi mưa vừa đến mưa to"- (nguồn: Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bình Thuận cung cấp). Tức là thời điểm đêm 28.7 chỉ "mưa vừa đến mưa to".

Ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chọn đỉnh lũ năm 1992 đúng không ? - Ảnh 6.

Hố thu gom nước mưa tại vị trí cống thông qua cao tốc, vị trí bị ngập sâu hôm 29.7

QUẾ HÀ

Đài khí tượng thủy văn Bình Thuận, cung cấp cho PV Thanh Niên số liệu nước lũ sông Phan tại trạm đo Tân Lập thì chỉ có số liệu đỉnh lũ từ năm 1995 trở lại đây (trước năm 1995 chưa có trạm đo thủy văn Tân Lập).

Tuy nhiên, "trận lũ lịch sử" của sông Phan mà người dân ở đây "ai cũng nhớ" thì số liệu mực nước cao nhất (Hmax) năm 1999 chỉ cao 31,89 m. Trận lũ đêm 28.7.2023 (thời điểm cao tốc bị ngập) đỉnh lũ sông Phan chỉ dâng cao 28 m.

Ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chọn đỉnh lũ năm 1992 đúng không ? - Ảnh 7.

Toàn cảnh đoạn cao tốc bị ngập nhìn từ trên cao (ảnh Flycam chụp ngày 13.8)

QUỐC HANH

"Như vậy, tư vấn thiết kế cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây điều tra số liệu đỉnh lũ năm 1992 với mực nước sông Phan dâng cao tới 43,14 m. Trong khi thực tế lũ đêm 28.7.2023 chỉ cao 28 m thì cao tốc này đã ngập sâu cả mét nước rồi. Điều này cần phải làm rõ, điều tra lại lưu vực để có số liệu chính xác, tránh sai sót khi chạy mô hình toán", một kỹ sư giao thông tại Bình Thuận đưa ra nhận định.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 15.8

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.