Xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan AIC, Vạn Thịnh Phát

Lê Hiệp
Lê Hiệp
02/02/2024 06:26 GMT+7

Ngày 1.2, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo) đã họp phiên 25 để cho ý kiến về báo cáo kết quả hoạt động năm 2023, chương trình công tác năm 2024 và các nội dung quan trọng khác.

6 cán bộ cấp cao bị kỷ luật vì vi phạm kê khai tài sản

Theo thông báo của Ban Nội chính T.Ư (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) về kết quả công tác năm 2023, Ban chỉ đạo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả toàn diện cả ở T.Ư và địa phương, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển KT-XH, tăng cường, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.

Cụ thể, trong năm 2023 đã kỷ luật 606 tổ chức Đảng, 24.162 đảng viên. Trong đó, kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện T.Ư quản lý; trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư Đảng.

Xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan AIC, Vạn Thịnh Phát- Ảnh 1.

Ban Nội chính thông báo kết quả phiên họp 25 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 1.2

GIA HÂN

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt lớn, nghiêm trọng, phức tạp được khởi tố, điều tra, xử lý bài bản, thận trọng, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Theo Ban chỉ đạo, trong năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố 4.523 vụ, 9.373 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, tăng 46% về số vụ án so với năm 2022. Trong đó, án tham nhũng khởi tố mới 899 vụ/2.446 bị can, tăng gần 2 lần về số vụ và tăng hơn 2 lần về số bị can so với năm 2022.

Đặc biệt trong năm vừa qua đã khởi tố mới, mở rộng điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả trong khu vực và khu vực ngoài nhà nước, cả trong lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, cả vụ việc tồn đọng, kéo dài. Điển hình như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); các vụ án trong lĩnh vực đăng kiểm; vụ án xảy ra tại Công ty AIC và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan; vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực VN và các cơ quan, đơn vị liên quan...

Cũng theo Ban chỉ đạo, trong năm 2023 các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa, thu hồi được nhiều tài sản trị giá hơn 234.000 tỉ đồng; chú trọng động viên, khuyến khích các đối tượng tự nguyện nộp lại tài sản chiếm đoạt, gây thiệt hại; có vụ thu hồi đạt 100% như vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Tân Hoàng Minh…

Bộ Công an: Loại “vi rút Việt Á” biến thể tương đối phổ biến

Kiểm soát quyền lực, thu hồi tài sản tham nhũng

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Ban chỉ đạo yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Ban chỉ đạo cũng nhấn mạnh việc chấn chỉnh, đấu tranh với "bệnh sợ trách nhiệm", tư tưởng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Cạnh đó, Ban chỉ đạo yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về quản lý KT-XH và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực; về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về xử lý tài sản liên quan đến vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; về thanh toán không dùng tiền mặt... Đồng thời chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương, định hướng lớn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phục vụ dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu tăng cường, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Khẩn trương hoàn thành kiểm tra, thanh tra các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo, nhất là khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB.

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra, xử lý 34 vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm VN (Bộ GTVT) và các trung tâm đăng kiểm địa phương; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB; vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh... Cùng đó, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở; khắc phục có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Khởi tố 22 người trong vụ án Trịnh Văn Quyết lừa đảo và thao túng chứng khoán

Vụ án tại Bộ Công thương vào diện Ban chỉ đạo theo dõi

Cũng tại phiên họp 25, Ban chỉ đạo đã quyết định đưa 2 vụ án vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Thứ nhất là vụ án vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; buôn lậu xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương, Công ty CP Đất hiếm Việt Nam và các đơn vị liên quan. Thứ hai là vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công thương và các địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.