Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Phan Tâm cho biết hôm qua (15.3), tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT).
3 giám đốc bị điều chuyển vì tin nhắn rác
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, cho hay 1 trong 5 vấn đề mà Thủ tướng muốn nhắc nhở với lãnh đạo VNPT là làm sao xử lý dứt điểm nạn tin nhắn rác, sim rác. Theo ông Dũng, đây là câu chuyện đã xảy ra từ rất lâu và là biểu hiện của dấu hiệu buông lỏng quản lý. "Không ở đâu mua sim rác dễ và rẻ như VN ta. Mua xong gọi một cú rồi vứt. Tôi sang Ấn Độ muốn mua sim phải trình nhiều giấy tờ, rồi họ sao chụp hộ chiếu. Gọi một cuộc là họ biết mình đang đứng ở đâu", ông Dũng nói.
Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long cho biết nếu trước đây mỗi ngày hệ thống của doanh nghiệp (DN) ghi nhận khoảng 100.000 tin nhắn rác thì đến nay chỉ còn 2.000 tin. Với việc đang quản lý 30 triệu thuê bao Vinaphone, thì cứ 10.000 thuê bao có 1,5 tin nhắn rác. Tổng giám đốc VNPT thông tin, sau khi Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), chủ trương siết chặt quản lý thuê bao, DN đã rất mạnh tay xử lý vấn nạn này. "Từ tháng 2 đến nay đã có 30 giám đốc bán hàng bị xử phạt, trong đó 3 người bị điều chuyển công tác, 18 đơn vị bị hạ lương. Các đại lý mà đăng ký sai thông tin là bị khóa luôn, còn những DN được VNPT ủy quyền mà không làm nghiêm thì bị cắt hợp đồng", ông Long nói. Dù vậy, chính ông này cũng thừa nhận việc xử lý số sim rác còn lại rất khó vì một phần các đối tượng này "thiên biến vạn hóa" nên phải hiểu được thủ thuật kinh doanh của họ mới xử lý triệt để, một phần khác vì nó đã ăn sâu trong văn hóa kinh doanh của các đại lý. Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV VNPT, cho biết thêm khi cơ sở dữ liệu dân cư tập trung hoàn thành, nhà mạng sẽ dễ dàng hơn trong việc cập nhật thông tin thuê bao gốc, từ đó phân biệt được các thông tin đăng ký giả để chủ động loại bỏ.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cũng thừa nhận cơ quan quản lý ngành tự thấy chưa xử lý triệt để và bền vững nạn sim rác, tin nhắn rác mà nguyên nhân chính là các đại lý chưa thực hiện nghiêm. Ông Tâm cũng chỉ rõ thủ đoạn phổ biến nhất trong vấn đề này là đại lý giả mạo giấy tờ cá nhân thông tin thuê bao. "Nhưng hành vi này có thể hình sự hóa được. Cho nên từ tháng 7.2016, Bộ TT-TT đã chuyển một số hồ sơ sang Bộ Công an và tháng 12.2016 chúng tôi đề nghị xử lý hình sự các đối tượng này về tội giả mạo giấy tờ công dân", ông Tâm thông tin, đồng thời đề nghị tổ công tác kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm xử lý nghiêm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tâm cũng lưu ý VNPT rằng, khi biết rõ thủ đoạn rồi thì cần chủ động ngăn chặn trước, tránh tình trạng để Bộ chủ quản biết rồi mới ra tay.
“4G không nên chỉ 3G+”
Tương tự, câu chuyện chất lượng dịch vụ viễn thông cũng là vấn đề được nhiều thành viên tổ công tác đề cập và cũng là nội dung được Thủ tướng lưu ý VNPT tập trung khắc phục. “Như vừa rồi tập đoàn đã đưa mạng 4G vào hoạt động. Thủ tướng nhắc 4G thì phải đúng chất lượng 4G chứ không nên chỉ 3G+”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ví dụ.
Đại diện VNPT cho biết hiện DN đã được cấp giấy phép để triển khai chính thức mạng 4G ở Hà Nội, TP.HCM và trong năm 2017 sẽ phủ sóng toàn quốc. "Chúng tôi cam kết với Chính phủ ở vùng nào mà VNPT phủ sóng thì chất lượng tốt chứ không phải làm cho có. Đã công bố 4G thì phải là chất lượng 4G. Còn 3G của chúng tôi cũng không thua DN nào vì băng tần đang sử dụng gấp 3 lần các công ty khác", lãnh đạo VNPT khẳng định.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết VNPT là một trong số ít đơn vị mà tổ công tác tới làm việc được Thủ tướng dành nhiều lời khen ngợi, cũng như có ít nhiệm vụ quá hạn khi chỉ có 6 trong tổng số 111 nhiệm vụ được giao chưa hoàn thành. "Mới đây, khi thăm khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thủ tướng rất vui khi thấy một số sản phẩm công nghệ cao của VNPT như thiết bị đầu cuối, sợi quang... Thủ tướng cho rằng phải động viên để tập đoàn sớm trở thành DN sản xuất công nghệ cao. Thủ tướng cũng muốn biết liệu tập đoàn có làm được điện thoại thông minh, máy tính bảng để chứng tỏ VN đủ sức làm được những sản phẩm ấy?", ông Dũng truyền đạt lời Thủ tướng. Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long cho hay DN có thể làm được máy tính bảng nhưng do quy mô dung lượng thị trường nhỏ nên khó có thể cạnh tranh, nhất là về giá với các DN đã chiếm lĩnh thị trường. Do vậy, đây không phải là sản phẩm trong chiến lược của VNPT.
Bình luận (0)