Báo
Thanh Niên số ra ngày 23.12.2016 có đăng bài
Đau đầu vì cuộc gọi rác, phản ánh tình trạng nhiều người dân khốn khổ khi mỗi ngày phải tiếp cả chục cuộc gọi từ số lạ mời chào mua nhà, vay tiền, mua bảo hiểm…
60.000 địa chỉ giá 2,5 triệu đồng !
Ngày 25.12.2016, trong vai người cần mua danh sách khách hàng để phục vụ việc kinh doanh dịch vụ văn phòng phẩm, PV Thanh Niên gọi vào số 09... của một “đầu nậu” tên Kiệt - người chuyên rao bán danh sách khách hàng trên mạng. Điện thoại đổ chuông, nhưng bên kia đầu dây là một giọng nữ.
“Xin lỗi. Đây có phải số của anh Kiệt bán “data” không?”, chúng tôi hỏi. Người phụ nữ nhanh nhảu: “Đúng rồi. Em là nhân viên của anh Kiệt. Anh cần mua loại danh sách nào? Từ danh sách phụ huynh học sinh (PHHS) các trường ở TP.HCM, đến danh sách khách hàng VIP, khách hàng bất động sản… đều có hết”. Chúng tôi nói cần mua danh sách PHHS của các trường ở TP.HCM thì người này ra giá: “Chỗ em có gói 60.000 địa chỉ (gồm tên tuổi, số điện thoại, số nhà... của 60.000 PHHS từ cấp 1 đến cấp 3 ở TP.HCM) giá 2,5 triệu đồng”. Nói xong, người này bảo: “5 phút nữa sẽ có nhân viên của em gọi điện cho anh, hai người hẹn gặp trực tiếp ở đâu đó giao dịch nhé”.
Đúng 5 phút sau, một người tên Vũ gọi vào số điện thoại của PV và hẹn gặp nhau ở một quán cà phê gần giao lộ Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Gặp chúng tôi, Vũ liền mở laptop và giới thiệu hàng loạt danh sách khách hàng là PHHS các trường trên địa bàn TP.HCM. Trong laptop của Vũ có nhiều “thư mục” khách hàng khác nhau. Như danh sách PHHS thì được chia thành “thư mục” từng quận, huyện.
Vũ mở một “hồ sơ” lên và nói: “Đây là tên tuổi học sinh, trường đang theo học, năm sinh, địa chỉ nhà, số điện thoại của phụ huynh. Danh sách cập nhật năm 2016. Em đảm bảo chính xác 98%. Không tin anh cứ gọi vào một số bất kỳ để xác minh”. Để tạo sự tin tưởng, Vũ yêu cầu PV chọn ngẫu nhiên một số trong hàng chục nghìn số điện thoại mà Vũ đang có để xác minh. PV chọn số điện thoại của một PHHS ở Q.Bình Thạnh để Vũ gọi. Bên kia đầu dây bắt máy, Vũ hỏi và mở loa ngoài cho chúng tôi nghe: “Dạ. Chị có phải là chị Trang, phụ huynh của em Huy không?”. “Đúng rồi. Ai đấy?”, chị Trang hỏi. “Chị đang ở khu vực Bình Quới phải không?”. “Đúng rồi. Xin lỗi có chuyện gì không?”, chị Trang tỏ vẻ bất an. “Em bên gia sư. Không biết cháu nhà mình có cần người dạy thêm không?”, Vũ hỏi tiếp. “Cháu nhà có đi học kèm rồi”, chị Trang trả lời.
Cúp máy, Vũ hồ hởi: “Anh thấy không, chính xác địa chỉ đó luôn. Bên em làm ăn uy tín nên không có chuyện bán data cũ đâu. Không tin anh gọi tiếp một số khác để xác minh”. PV trực tiếp gọi vào số 09… của một PHHS khác trong danh sách khách hàng của Vũ: “A lô. Chú có phải là phụ huynh của em Nguyễn Ngọc Bảo Hân không ạ?”. Bên kia đầu dây trả lời: “Đúng rồi. Có chuyện gì không?”. Chúng tôi vừa giới thiệu mình bên trung tâm gia sư thì bên kia đầu dây gằn giọng “gọi gì gọi hoài vậy”, rồi “tút... tút... tút”.
Xong xuôi, Vũ yêu cầu PV đưa 2,5 triệu đồng như “giao kèo” rồi sẽ lập tức chuyển toàn bộ “hồ sơ” 60.000 PHHS các trường ở TP.HCM qua email của chúng tôi. Vũ hối: “Giá thị trường là 2,5 triệu đồng/60.000 địa chỉ, nhưng em giảm cho anh 500.000 đồng còn 2 triệu đồng coi như làm quen”.
Em bán rồi, anh muốn làm gì thì làm
Vừa giao dịch, PV vừa hỏi: “Tôi mua danh sách này rồi về bán lại được không?”. Vũ bảo: “Em bán cho anh rồi anh muốn làm gì thì làm. Có khi anh bán không những thu lại tiền gốc mà còn lời to. Nhưng anh phải cẩn thận không nên gặp mặt giao dịch trực tiếp. Bình thường em không đi gặp đâu. Người nào đặt thì chuyển tiền vào tài khoản, rồi mình chuyển qua email danh sách, chứ mình bán cái này là… không minh bạch đâu”. PV gặng hỏi: “Vậy danh sách này mình lấy ở đâu ra?”. Vũ nói: “Tụi em có người quen bên một cơ quan ngành giáo dục nên nhờ họ tuồn ra”. Vũ còn hướng dẫn chúng tôi, để “hành nghề” cần phải có cả một “ê kíp” chứ không thể làm việc một mình.
Việc thông tin cá nhân bị rao bán, nhiều phụ huynh tỏ ra ngán ngẩm, rất bức xúc. “Tôi không hiểu sao họ lại có được số điện thoại của mình. Không những thế họ còn đọc vanh vách địa chỉ nhà, tên tuổi, trường học của con rồi mời gọi đi du học này nọ rất phiền phức”, một phụ huynh ở Q.Gò Vấp than thở.
Tương tự, một phụ huynh có con đang học lớp 1 ở Q.9 nói: “Chỉ cần bắt máy mà nghe “chị ơi, em là nhân viên chăm sóc khách hàng” hay “chị ơi, em ở bên trung tâm gia sư” là tui tắt máy liền. Nếu có nhu cầu thì tôi tự liên hệ chứ ai lại đi tiếp thị bằng cách “khủng bố” điện thoại như vậy. Hơn nữa, họ biết cả việc con tôi bao nhiêu tuổi, học lớp mấy, trường nào, khiến tôi cảm thấy rất bất an”.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết điều 38 bộ luật Dân sự quy định quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Nhưng thực tế, việc xử lý không dễ dàng. Theo một lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) Bộ Công an, cơ quan này từng lập nhiều chuyên án về việc mua bán thông tin cá nhân trên mạng. Nhiều người dân bị tiết lộ thông tin cá nhân như: họ tên, tuổi, giới tính, số điện thoại, email, địa chỉ... Vị này nhận định thêm, tình trạng mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân là một trong những loại hình tội phạm diễn ra nhiều năm nay và rất phức tạp. Để xử lý hình sự hành vi trên, cần thêm một yếu tố bắt buộc nữa là “đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.
|
Bình luận (0)