Xử lý nợ xấu, không có đặc quyền cho ngân hàng

13/06/2017 07:00 GMT+7

Hôm qua 12.6, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết xử lý nợ xấu.

Xử lý tất cả nợ xấu, không tính thời điểm
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Khanh nêu ra 16 nhóm vấn đề chính trong báo cáo chỉnh lý, tiếp thu. Đáng chú ý là xác định các khoản nợ xấu sẽ được xử lý và thời điểm phát sinh. UBTVQH đề xuất 2 phương án, một là áp dụng cho tất cả các khoản nợ không tính thời điểm ghi nhận, thứ hai là chỉ áp dụng đối với nợ trước 31.12.2016.

Đại biểu (ĐB) Trần Sỹ Thanh (Lạng Sơn) cho rằng, nếu chỉ tính đến 31.12.2016 sẽ chỉ xử lý được 50% khoản nợ xấu đang tồn đọng, tương đương 50% nợ xấu. ĐB này đề xuất nên kéo dài thêm 1 năm, tức đến 31.12.2017, có thể xử lý dứt điểm được hoàn toàn nợ xấu. Tuy nhiên, đa số ĐB đều đề nghị QH không nên khống chế thời điểm. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), nợ xấu ở thời điểm nào cũng vẫn là nợ xấu. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) ủng hộ phương án này, bởi theo ông khi còn cho vay, tất yếu còn nợ xấu. “Nếu quy định thời gian, tới đây lại xuất hiện thêm một nghị quyết nữa rất tốn công của ĐBQH”, ĐB Ngân nói.
5 năm, nợ xấu có thể “đẻ” thêm 350.000 tỉ đồng
Giải trình thêm với các ĐB, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định tinh thần nghị quyết là không sử dụng ngân sách và cũng không có bất kỳ ưu ái, đặc quyền nào dành cho các ngân hàng. Theo ông Hưng, quá trình xử lý nợ xấu bằng tài sản đảm bảo, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro. Khi đó phải dùng lợi nhuận để xử lý nên chắc chắn ảnh hưởng đến thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, việc tăng cường trích lập sẽ làm các ngân hàng quốc doanh giảm cổ tức nộp cho ngân sách. “Điều đó chứng tỏ ngân sách đã gián tiếp hỗ trợ nhất định cho tiến trình xử lý nợ xấu”, Thống đốc giải trình.
Theo ông Hưng, nghị quyết không chỉ xử lý nợ xấu, còn giúp giảm chi phí tài chính cho các tổ chức tín dụng , qua đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế, đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Về ý kiến chỉ nên áp dụng đối với các khoản nợ được ghi nhận trước 31.12.2016, theo ông Hưng, nếu chỉ giới hạn như vậy sẽ tiếp tục vướng mắc về cơ chế. Bởi nợ xấu luôn tiềm ẩn phát sinh hằng ngày, song hành với hoạt động tín dụng. Trong điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu thì tính trung bình nợ xấu mới phát sinh hằng năm chiếm 1,3 - 1,5% tổng dư nợ cho vay, đầu tư nền kinh tế. Với mức tăng trưởng dư nợ đầu tư nền kinh tế bình quân 16% một năm, dự kiến nợ xấu phát sinh thêm trong 5 năm tới (2017 - 2022) là 350.000 tỉ đồng. Để duy trì mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%, nợ xấu cần xử lý trong 5 năm tới sẽ lên tới 640.000 tỉ đồng. Như vậy bình quân mỗi năm phải xử lý 130.000 tỉ đồng. “Nếu giới hạn sẽ chỉ xử lý được một nửa và tiếp tục vướng mắc về cơ chế”, Thống đốc cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.