(TNO) Hôm nay 14.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) sẽ thảo luận về Báo cáo thẩm tra về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2013.
>> Cần gấp rút giải cứu doanh nghiệp
>> Cần đẩy nhanh giải pháp hỗ trợ bất động sản
>> Tiêu thụ nhiều nhưng hàng tồn kho không giảm
>> Sức mua càng “kích” càng yếu - Kỳ 4: Giảm tồn kho vẫn bế tắc
>> Quốc hội chất vấn: Nóng chuyện tồn kho, xăng dầu, thủy điện...
Các nội dung báo cáo của Chính phủ cũng như ý kiến trên của cơ quan thẩm tra sẽ được thảo luận tại phiên họp Ủy ban TVQH ngày hôm nay, 14.5.
Xử lý nợ xấu còn quá chậm
“Một số ý kiến cho rằng những nỗ lực chính sách nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là mức giảm thuế, giải phóng hàng hóa tồn kho, xử lý thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu còn quá chậm và kết quả chưa rõ ràng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết thông tin trên khi trình Báo cáo thẩm tra về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2013.
Theo nội dung báo cáo của cơ quan thẩm tra, việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, kinh tế 4 tháng đầu năm đạt được một số kết quả nhất định, đó là lạm phát tiếp tục được kiềm chế; tăng trưởng quý I cao hơn cùng kỳ; dự trữ ngoại hối tăng cao; tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định; xuất khẩu tăng trưởng khá, nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất bắt đầu tăng trở lại. Các chính sách xã hội tiếp tục được quan tâm.
|
Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng các nỗ lực chính sách thực hiện thời gian qua và những kết quả tích cực đạt được ban đầu vẫn chưa bảo đảm chuyển xu thế tốt hơn; tăng trưởng kinh tế sẽ rất khó khăn trong năm nay với những dấu hiệu chỉ báo tình trạng suy giảm đang rõ nét hơn, từ việc chỉ số GDP tuy cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại thấp hơn cùng kỳ năm 2011; tăng trưởng dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 0,03% và đạt 1,4% trong 4 tháng đầu năm; hàng tồn kho tiếp tục là điểm nghẽn của tăng trưởng.
Ông Giàu đồng thời thông tin, một số ý kiến cho rằng những nỗ lực chính sách nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là mức giảm thuế, giải phóng hàng hóa tồn kho, xử lý thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu còn quá chậm và kết quả chưa rõ ràng.
|
Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cũng được cơ quan thẩm tra đánh giá là “chưa có những chuyển biến cụ thể”. Chẳng hạn, về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, một số ý kiến cho rằng việc triển khai thực hiện chưa thực sự khẩn trương, chưa có tiêu chí phân loại theo ngành nghề, lĩnh vực; đồng thời, chưa thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp hiện có thành các nhóm để có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm (nhóm 100 % vốn nhà nước; nhóm có trên 51% vốn thuộc sở hữu nhà nước; nhóm nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối...) mà thực hiện ở từng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, nâng cao trình độ quản trị, tính cạnh tranh, tính hiệu quả và phát triển bền vững.
Thêm vào đó, hệ thống chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, nhất là vấn đề xử lý các khoản lỗ, dôi dư cán bộ, người lao động cũng chưa được ban hành.
Cần có chính sách thỏa đáng hỗ trợ ngư dân
Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế nhận định “nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề” và thách thức chính sách nổi lên là phải xử lý hài hòa và bảo đảm thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.
Bên cạnh nhóm ý kiến đề nghị nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 5,5% GDP, theo ông Giàu, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng sau một thời gian dài kiểm soát tín dụng với lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, giải thể, phá sản, một bộ phận lớn doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn nhưng không thể kéo dài tình trạng này hơn nữa.
|
Một số giải pháp cơ quan thẩm tra nhấn mạnh “cần tập trung thực hiện” từ nay đến cuối năm 2013 là thực hiện đồng bộ, thận trọng, linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, bảo đảm điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá; chú trọng công tác điều hành giá theo lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ công, tránh gây biến động mạnh chỉ số giá, góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng và tạo việc làm.
Giải pháp đáng chú ý khác là thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách thu ngân sách nhà nước, tránh giảm thu quá lớn; triệt để tiết kiệm, không ban hành chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách. Cắt giảm mua sắm công, quyết tâm tinh giản biên chế, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, xây dựng chế tài mạnh mẽ, gắn trách nhiệm của người quyết định đầu tư đối với chi đầu tư phát triển.
Đáng chú ý, bên cạnh đề nghị chú trọng bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, thông tin; tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm…; Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ “cần có chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với ngư dân đánh bắt cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của nước ta”.
Bảo Cầm
Bình luận (0)