Đây là thông tin Bộ LĐ-TB-XH cho biết ngày 29.9.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong năm 2022, tình hình tệ nạn mại dâm vẫn diễn ra dưới các hình thức tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Báo cáo của các địa phương cho thấy đã xử lý vi phạm hành chính liên quan đến mại dâm với 1.095 đối tượng (tăng 31 đối tượng so với cùng kỳ năm 2021), gồm 549 người bán dâm (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021); 541 người mua dâm; 5 người bán dâm dưới 18 tuổi.
Lực lượng chức năng lập biên bản một vụ mua bán dâm |
Trị BÌnh |
Lực lượng chức năng tại các địa phương đã xử lý hình sự 270 đối tượng chủ chứa, môi giới mại dâm và số người mua dâm chưa thành niên (giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó gồm 269 đối tượng chứa mại dâm, đối tượng môi giới mại dâm; 1 người mua dâm chưa thành niên.
Trong 6 tháng đầu năm, có 3.194 lượt người bán dâm được tiếp cận dịch vụ tư vấn, hỗ trợ (tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó số đối tượng được tư vấn, trợ giúp pháp lý là 632 lượt người; số được hỗ trợ giáo dục là 9 lượt người; số được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe là 792 lượt người; số được học nghề, tạo việc làm là 31 lượt người và số đối tượng được cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV là 1.523 lượt người.
Tính đến nay, có 11 địa phương tiếp tục duy trì triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội; hiện mô hình đảm bảo quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; triển khai mô hình tăng cường năng lực của nhóm các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực,câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới.
Để tăng cường quản lý địa bàn, không để tệ nạn mại dâm gây bức xúc xã hội, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các sở LĐ-TB-XH phối hợp liên ngành, rà soát, kiểm tra, xử lý các vi phạm về tệ nạn mại dâm; cung cấp các dịch vụ giảm hại, hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm để hòa nhập cộng đồng.
Bộ này cũng đã ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, mục tiêu đề ra mỗi năm tổ chức kiểm tra ít nhất 20% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn; đến năm 2025, 100% các cơ sở được kiểm tra ít nhất 1 lần…
Hằng năm, tăng 3 - 5% số tội phạm liên quan đến mại dâm được xử lý theo quy định của pháp luật, đặc biệt những địa bàn trọng điểm.
Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị các địa phương duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả về can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội của người bán dâm tại cộng đồng và các trung tâm hỗ trợ xã hội; hỗ trợ người bán dâm hoàn lương vay vốn, phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng.
Bình luận (0)