Những vị thuốc được người dân trên đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) hái dùng để nấu nước uống hằng ngày giờ trở thành quà tặng du lịch và đang xúc tiến đăng ký thương hiệu.
Các loài cây rừng làm thành sản phẩm lá Lao quen thuộc - Ảnh: C.T.V |
Nước uống chữa bệnh
Dịp lễ 30.4 - 1.5, con của chị Nguyễn Thị Cúc ở Bằng An (P.Điện An, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) tham quan Cù Lao Chàm đã mua về 3 gói “Lá rừng thanh lọc cơ thể - đặc sản Cù Lao Chàm” để mẹ dùng. Chị Cúc sử dụng lá cù lao từ hơn 2 năm trước. “Nhớ lần đó, con dâu sinh nở được bà con ngoài đảo gửi cho ít lá để uống, nhưng nó sợ nóng khô sữa nên nhường cho mẹ chồng. Tôi uống thử thấy ngon, lại rất hiệu quả trong việc giảm béo. Tôi bị sạn thận độ 1-2, vậy mà cũng giảm hẳn. Khi đứa em rể là bác sĩ đông y phân tích các vị thuốc và bảo loại nước này uống rất tốt, tôi càng tự tin”, chị Cúc kể. Lần tiếp cận đầy tình cờ đó với “lá Lao”, như cách gọi quen thuộc của người dân về các loại cây lá quý hái làm nước uống ở Cù Lao Chàm, khiến chị Cúc đâm ghiền. Hễ có người ra Cù Lao Chàm thế nào chị cũng gửi mua cả bao tải để uống dần. Một người quen sinh sống ở Cù Lao Chàm ngót 30 năm cũng khuyên chị nên dùng loại nước lá cây ấy. Gần đây, ở P.An Mỹ (TP.Tam Kỳ) cũng thấy có quán cà phê dùng nước lá Lao thay trà, do chủ quán dùng thử thấy thích nên mua về đãi khách. Với cư dân Cù Lao Chàm, bao đời nay họ đã quen dùng nước lá Lao. Một người dân ở bãi Làng quả quyết, hằng ngày họ chỉ uống nước lá Lao. Thứ nước uống dân dã này cũng “xâm nhập” các cơ sở homestay hoặc quán cà phê trên đảo để thay thế nếu khách yêu cầu…
Thương hiệu và dược tính
Từ thói quen sử dụng của người dân để làm nước uống, lá Lao dần định hình thương hiệu du lịch Cù Lao Chàm. Trước khi rời đảo, ngoài những hải sản nổi tiếng du khách không quên mua vài bịch “lá rừng thanh lọc cơ thể” để làm quà. Việc cung ứng lá Lao dần trở nên chuyên nghiệp khi có khoảng 30 người làm nghề hái lá rừng rồi sao chế để bán. Họ là những cư dân đầy kinh nghiệm trong việc nhận diện cây thuốc, chứ không phải ai cũng có thể hái được. Thiên nhiên đã ban tặng cho rừng trên đảo nhiều loài cây thuốc quý. Với kinh nghiệm dân gian, từ lâu nhiều cư dân xã đảo đã kịp nhận diện các loài cây quý mọc hoang trên rừng như bồ đường, từ bi, bồ đề núi, é, sanh núi, ngũ gia bì, nhàu, thụt dọt, ổi tàu, gia lông, nhãn núi… từ đó, họ tự biết cách phân loại, cây nào thì lấy thân - rễ - lá, cây nào chỉ hái đọt rồi mang về băm nhỏ, phơi khô, trộn đều. Theo thống kê, trong 1 tấn cây thuốc được người dân khai thác, họ dùng một phần để uống, còn lại dành để bán cho du khách và bạn hàng ở các tỉnh lân cận…
“Chúng tôi đang nhờ Phòng Kinh tế TP.Hội An hỗ trợ xúc tiến đăng ký thương hiệu “lá Lao” cho đặc sản nước uống từ cây rừng trên đảo, đồng thời cũng nghiên cứu, phân tích các loại cây thuốc trong đó tác động đến sức khỏe như thế nào”, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp nói. Khi thương hiệu lá Lao ngày càng lan rộng và được người dân bên ngoài Cù Lao Chàm sử dụng, đã đến lúc các dược liệu có trong mỗi “bài thuốc” phải được nghiên cứu cụ thể. Lâu nay, việc thu hái và sao chế chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của cư dân xã đảo. Theo bác sĩ Lê Thân, Phó giám đốc Bệnh viện y học cổ truyền Quảng Nam, việc định danh chính xác các loài cây thuốc và dược liệu không hề đơn giản, chỉ những đơn vị có trang thiết bị, máy móc chuyên dụng như Viện Dược liệu trung ương mới đủ điều kiện phân tích.
Bình luận (0)