Xử thật nặng hành vi tạo khan hiếm xăng dầu để trục lợi

11/02/2022 07:50 GMT+7

Sau Tết Nhâm Dần, có hiện tượng nhiều cửa hàng xăng dầu ở một số địa phương ngưng bán hàng với lý do cạn nguồn cung.

Rất nhiều bạn đọc Thanh Niên đề nghị cơ quan quản lý khẩn trương giải quyết tình trạng này, xử lý nghiêm vi phạm nếu có.

Tại cuộc họp ngày 9.2 về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu trước hiện tượng thiếu hàng ở nhiều địa phương, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết nguồn cung cơ bản đáp ứng thị trường trong tháng 2. Theo đó, nhu cầu mỗi tháng cả nước dùng khoảng 1,8 - 2 triệu m3, trong khi lượng xăng dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối tính đến cuối tháng 1 còn 1,3 triệu m3, chưa kể tồn kho trong các thương nhân phân phối, đại lý.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định nguồn cung hiện tại đủ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Ông Hải nhấn mạnh rằng trước đây, Việt Nam nhập khẩu 100% cũng không thiếu, thì giờ đây trong nước đã tự chủ 70% càng không có lý gì để thiếu hàng.

Kiểm tra thực tế mẫu xăng dầu tại một cây xăng ở xã Định Thành, H.Thoại Sơn, An Giang

CTV

Nhiều dấu hiệu bất thường

Vì sao các cơ quan quản lý, doanh nghiệp xăng dầu đều khẳng định dự trữ xăng dầu không thiếu, nhưng trên thị trường lại có tình trạng một số nơi thông báo hụt nguồn cung?

Bạn đọc (BĐ) Hoàng Tùng Văn nêu ý kiến: “Đã làm kinh doanh mà nói thiếu hàng để bán ra thì rất khó tin. Bán loại hàng gì cũng phải có nguồn dự trữ trong kho, huống hồ loại hàng quan trọng như xăng dầu. Tôi cho rằng có điều gì đó không ổn trong cách giải thích cạn nguồn hàng của một số cửa hàng”.

Trong khi đó, về việc một số cửa hàng xăng dầu ở TP.HCM thông báo hết xăng, chỉ bán dầu, BĐ phuong nguyen đặt câu hỏi: “Sở Công thương TP.HCM đã bảo đảm xăng dầu của thành phố đủ trong vòng 30 - 40 ngày, sao mới đây lại có nơi thiếu xăng rồi? Vì sao lại xảy ra việc này khi nguồn cung thế giới không hề thiếu?”.

Theo Bộ Công thương, hầu hết các cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ. BĐ Manh Ngo cho rằng: “Xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng, nhà nước cần quản lý chặt, chứ không để các công ty làm khó người dân. Lợi nhuận thì họ nhận, còn lỗ thì họ đẩy cho dân”. BĐ Vu Thanh nhận xét: “Kinh doanh xăng dầu theo cơ chế hiện nay thì lợi nhuận phải tính cho cả năm. Khi xăng nhập vào giảm sâu sao không thấy hỏng trụ bơm, không đi ăn giỗ, sao không khan?”.

Cũng theo Bộ Công thương, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng để chờ tăng giá. Trong khi đó, phó giám đốc một công ty đầu mối xăng dầu phía nam nói với Thanh Niên rằng khả năng cao là cửa hàng ém hàng để bán giá cao. “Chính phủ phải cho kiểm tra, nếu thực sự găm hàng để tìm kiếm thêm lợi ích nhỏ nhưng thiệt hại đến xã hội, thì hành vi trên phải bị nghiêm trị”, BĐ Hai Son Pham đề xuất.

Kiểm tra tồn kho ngay

Lãnh đạo ngành công thương khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp mạnh nhất theo quy định và xin ý kiến Thủ tướng cả biện pháp vượt khung để xử lý với hành vi găm hàng. BĐ Hue Tran viết: “Triển khai đoàn kiểm tra liên ngành, không giao riêng cho quản lý thị trường, lập biên bản vi phạm và xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép kinh doanh các đơn vị găm hàng chờ tăng giá”. BĐ Saudua cùng quan điểm: “Hoan nghênh việc kiểm tra tồn kho ngay, và rút giấy phép kinh doanh của các cửa hàng vi phạm (còn xăng, không bán)!”.

Trong khi đó, BĐ bqti...@gmail.com đưa ra góc nhìn: “Việc cần làm gấp hiện nay là Bộ Công thương khẩn trương trình Quốc hội giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường. Vì hiện thuế phí chiếm gần 2/3 giá trị thành phẩm cho mỗi lít xăng dầu, đẩy giá nhiên liệu lên cao sẽ tăng lạm phát, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân cũng như doanh nghiệp sản xuất”.

“Truy đến cùng việc kêu thiếu xăng dầu, thậm chí truy tố nếu phát hiện bằng chứng cho thấy ghim hàng, tăng giá, trục lợi. Điện, xăng, dầu là nguồn năng lượng quốc gia, nguồn này bị tăng giá sẽ dẫn đến nền kinh tế bị khủng hoảng vì bị lạm phát. Trong khi nền kinh tế đang trải qua khủng hoảng vì đại dịch chưa chấm dứt, nay găm hàng chờ tăng giá nhằm mục đích trục lợi chẳng khác gì cố ý gây ra khủng hoảng kép. Nhà nước hãy vào cuộc đến cùng, cần có biện pháp cứng rắn với kẻ trục lợi và lên kế hoạch để ổn định giá. Lợi ích kinh tế quốc gia là hệ trọng, không thể để cho những kẻ cơ hội, phe nhóm tung hoành, lợi dụng độc quyền để tăng giá, tham lam ngắn hạn trước mắt mà hậu họa khôn lường”, BĐ Phuc đề nghị.

Tôi chờ xem có doanh nghiệp nào bị xử lý! Và khả năng ảnh hưởng của doanh nghiệp đó trên thị trường xăng dầu như thế nào?

Qua Đường Khách

Phải chỉ đạo quyết liệt và truy đến cùng, có như vậy mới mong các doanh nghiệp làm ăn minh bạch, góp phần ổn định thị trường, kinh tế phát triển.

Nguyễn Văn Tấn

Nếu một ngày thiếu xăng dầu thì hoạt động của ngành giao thông vận tải sẽ ra sao nhỉ? Sự điều hành của Bộ Công thương có trách nhiệm gì ở đây không?

tri nguyen tien

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.