Không ít cha mẹ từng rơi vào tình huống này. Nhiều người cho biết bị "sốc", "choáng", "giận dữ không thể kiềm chế"… khi thấy con em mình, đang học THCS hoặc THPT đã tò mò, lén giấu sách, truyện 18+ hoặc xem phim 18+. Đâu là cách đúng đắn mà phụ huynh nên xử trí trong lúc này? Chị Trần Thu Hà (mẹ Xu Sim), tác giả nhiều đầu sách về nuôi dạy con như "Con nghĩ đi mẹ không biết", "Buông tay để con bay" chia sẻ với Báo Thanh Niên những điều chị nghĩ rằng cha mẹ nên làm.
Điều đáng lo nhất là "con đang lén lút xem"
Chị Trần Thu Hà cho biết việc "bắt gặp con lén xem" phim ảnh, truyện 18+ đó là dấu hiệu con cũng cảm nhận được là con bị cấm đoán, hoặc nếu bị phát hiện sẽ bị la mắng, bị trách phạt nên phải giấu diếm; là dấu hiệu ba mẹ không kết nối được với con, không tin con đối với chuyện đọc và xem các phim nhạy cảm.
Chị Trần Thu Hà cũng là mẹ của hai cô con gái, chị đồng hành cùng các con bước qua tuổi teen, làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì. Chị chia sẻ trong nhà chị các con không phải giấu diếm chuyện đọc, xem các phim nhạy cảm. Chị Thu Hà cho biết thế hệ của chị hoàn toàn khác với các con mình, 21 tuổi chị mới biết yêu và 33 tuổi mới lần đầu xem phim 18+, tuy nhiên trong thời đại này, chị chấp nhận con cái mình sống khác.
"Việc trẻ con tò mò, đọc, xem không có gì xấu. Đó là tò mò bản năng, trẻ con trên toàn thế giới là như thế. Bản năng thì không xấu, nhưng tâm thế lúc các con xem các phim ảnh, truyện có yếu tố nhạy cảm trên như thế nào mới quan trọng. Quan trọng nhất là sau khi xem, sau khi đọc các truyện 18+, phim 18+ trên thì các con cư xử như thế nào, có những hành vi gì, có những hành động gì. Đó mới là điều các cha mẹ cần chú ý", chị Thu Hà cho biết.
Nữ tác giả của nhiều đầu sách về nuôi dạy con, về giáo dục giới tính cho trẻ cũng cho rằng hiện nay y học đã thay đổi rất nhiều mà cha mẹ cũng cần cập nhật kiến thức để cùng đồng hành với con, để lớn lên cùng con, làm bạn cùng con. Ví dụ như trước đây y học từng cho rằng thủ dâm là bệnh, hay đồng tính là bệnh cần được chữa. Tuy nhiên hiện nay y học đã khẳng định đồng tính không phải là bệnh, và thủ dâm cũng không phải là bệnh. Do đó, theo chị Thu Hà, thay vì nổi giận, bực tức, hét lên với đứa trẻ, trút giận lên đầu con cái khi bất ngờ thấy con tiếp cận với các sách, truyện, phim 18+, cha mẹ hãy nên có cách xử lý tinh tế hơn.
"Tôi cho rằng tốt nhất là trong tình huống ấy, cha mẹ hãy cố gắng kiềm chế sự "sốc", "choáng" của mình lại và bình tĩnh, có thể giả vờ tỉnh bơ, nói một câu ngắn thôi, như "ôi con xem cái đó ha?", "ghê quá ha", "ồ, thấy rồi nha", "ôi khiếp thế", rồi thật nhanh chóng, hãy đi ra khỏi không gian đó của con và để con tự dừng lại. Trẻ con rất nhạy cảm, tôi chắc chắn là lúc đó các con đã cảm thấy rất ngại ngùng, chúng sẽ tự biết dừng lại. Đừng mắng mỏ, trút giận lên đầu con, đừng viết kể xấu con lên mạng xã hội mà làm con cảm thấy ê chề. Với tuổi teen, thể diện là điều vô cùng quan trọng", chị Thu Hà nói.
Ba mẹ hãy kiểm tra lại, mình đã làm gì bấy lâu nay
Theo chị Thu Hà, trong câu chuyện bắt gặp các bạn tuổi teen lén xem truyện, phim nhạy cảm thì người cần xử trí ở đây chính là các bậc làm cha mẹ. Các bậc phụ huynh hãy cùng ngồi lại, tự hỏi bản thân và tự trả lời các vấn đề: Bấy lâu nay mình đã chủ động dạy con về tình yêu, về giới tính, về bảo vệ mình, về ranh giới, về sự tử tế, cư xử lịch sự văn minh, về tôn trọng mình và người khác, về giá trị của mình, của người khác… chưa? Mình là cha mẹ, mình đã sống và có các hành động trong gia đình chuẩn mực chưa? Có biết cách thể hiện tình yêu đẹp và đàng hoàng của người lớn trước mặt con chưa? Trong thực tế nhiều gia đình, ba mẹ lại đi giấu những cử chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm sóc nhau, nhưng khi ngủ chung phòng với con, lại để lộ ra những sinh hoạt tình dục mà lẽ ra con không nên nhìn.
"Phụ huynh đừng bao giờ truy cùng đuổi tận, khắc sâu thêm cho con sự ngại ngùng, xấu hổ trong tình huống ấy bằng các câu nói như "mày đang làm gì? mày xem phim đồi trụy từ bao giờ?"; "Bố mẹ quá thất vọng về con", "bố mẹ không ngờ con như thế này, con phải xin lỗi bố mẹ ngay"… Thậm chí, sai lầm hơn là đi rêu rao, kể những câu chuyện này về con trước mặt người khác, mang những câu chuyện này lên mạng xã hội để răn đe con. Ở lứa tuổi teen, thể diện của con rất lớn, nên nếu cha mẹ làm cho con bị mất mặt thì có thể sau đó nhiều năm cũng khó mà có thể lấy lại được sự thân thiết, sự gần gũi của con với cha mẹ. Nên dù có rất sốc, có tăng huyết áp, có thể cảm thấy trời đất quay cuồng, sụp đổ… trong giây phút ấy, cha mẹ cũng hãy bình tĩnh. Nên để ngày hôm sau, hoặc tuần sau, khi mọi người đã bình tĩnh lại thì tạo điều kiện để tâm sự với con như Con thấy thế nào? Con có cần mẹ làm gì để giúp con không?... Và nếu cha, mẹ không sẵn sàng nói chuyện, có thể nhờ chú/bác/cô/dì… một người con cảm thấy tin tưởng để cùng chia sẻ, tâm sự với con", chị Trần Thu Hà gợi ý.
Đừng ngần ngại, mắc cỡ khi nói với con về giới tính, tình dục
Làm thế nào để bảo vệ con trong thế giới mạng, làm sao để cho con màng lọc, có "sức đề kháng" trước các sức cám dỗ của phim, ảnh 18+ tràn ngập trên internet? Theo chị Trần Thu Hà, đó là cha mẹ hãy dạy giới tính cho con thật sớm, đó chính là các liều "vắc xin" hiệu quả. Trước khi con đi học mẫu giáo, trẻ đã cần được dạy về nhận biết cơ thể và nhân phẩm của mình là vô cùng quý giá và đáng trân trọng. Cơ thể con là của riêng con, con được quyền từ chối, không một ai có quyền được quấy rối hay xâm hại con.
Thậm chí con có thể làm những việc trái ngược với tập quán truyền thống như từ chối ôm, hôn ai mà con không muốn, kể cả bố mẹ ông bà, chú bác, thầy cô giáo... và con phải la hét lên khi ai đó cố tình muốn động chạm vào vùng kín của con.
"Đừng bao giờ ngần ngại, mắc cỡ khi nói với con về chủ đề này. Học về giới tính và tình dục, nó không mang lại bằng cấp nhưng có thể nó sẽ cứu cả cuộc đời con. Cha mẹ không cần phải là chuyên gia mới có thể dạy con. Cha mẹ có những người bạn đồng hành là sách, truyện tranh, phim hoạt hình dễ thương… về giáo dục giới tính để cùng học với con. Hãy nói với các con mẹ yêu con vô điều kiện, ngay cả khi con phạm sai lầm, con bị lừa, hay tai nạn, dù bất kỳ chuyện gì xảy ra, dù họ hàng, cộng đồng, dù cả thế giới không tin con, thì con vẫn còn mẹ", người mẹ của hai cô con gái, tác giả nhiều đầu sách nổi tiếng về nuôi dạy con trao đổi.
Bình luận (0)