Nhà văn, nhà báo Phan Khôi (1887 - 1959) là một học giả tên tuổi, sinh tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cháu ngoại của Tổng đốc Hoàng Diệu. Năm 19 tuổi, ông đỗ Tú tài Hán học nhưng lại đi vào lịch sử văn học với vai trò người mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới với bài thơ Tình già. Là một nhà báo tài năng, trước 1945, Phan Khôi được mang danh là Ngự sử văn đàn.
Nhà văn Phan Khôi dự kỷ niệm 20 năm mất nhà văn Lỗ Tấn tại Trung Quốc năm 1956 |
Tư liệu |
Phan Khôi di cảo (bản chưa đầy đủ) gồm 2 phần: Phần di cảo và 2 phần Phụ lục. Phần Di cảo với 10 đề mục tài liệu, đều thuộc sở trường của ông, là lịch sử cổ đại Trung Quốc, lịch sử cận đại Việt Nam, tiếng Việt (Cổ sử Trung Hoa bị đánh đổ, Kiểm thảo lại cái gọi bằng dân chủ ở Trung Quốc đời xưa, hồi ký Vụ xin xâu ở Quảng Nam và Duy Tân khởi nghĩa, Những con số không nhất định trong từ ngữ). Đáng chú ý là các bản Tự thuật tiểu sử sơ lược, Kiểm thảo sơ bộ và Tự kiểm thảo do tự tay nhà văn Phan Khôi viết năm 1953 trong cuộc chỉnh huấn năm 1953 trên Việt Bắc. Cùng với đó là các cuốn sổ tay ghi chép. Những tư liệu này góp phần bổ sung vào bản lý lịch cá nhân còn khuyết của nhà văn, nhà báo Phan Khôi nói riêng và lịch sử văn học, lịch sử báo chí Việt Nam nói chung.
Qua chia sẻ của các con của nhà văn Phan Khôi trong sách cho thấy, từ năm 1956 - 1958, dù bị phê phán, cô lập về mọi mặt trong đời sống chính trị xã hội nhưng “không có bất cứ một bản thảo nào mang dấu ấn của sự phản ứng, của sự phản đối; trong khi ông lại dồn hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành một bản khảo luận rất có giá trị về tiếng Việt trước ngày ông qua đời một năm”. Đó là nghiên cứu Những con số không nhất định trong từ ngữ được nhà ngôn ngữ học Phan Khôi hoàn thành tại số 10 phố Nguyễn Thượng Hiền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 1.2.1958, gồm 15 trang viết tay không gạch xóa. Có thể nói, đây là nghiên cứu tiếng Việt tiếp nối công trình Việt ngữ nghiên cứu (Nhà xuất bản Văn nghệ, 1955) của học giả Phan Khôi.
Phan Khôi di cảo (bản chưa đầy đủ) |
K.M.S |
Có một sự kiện, chúng tôi thấy cũng cần trao đổi thêm với nhóm biên soạn sách Phan Khôi di cảo (bản chưa đầy đủ). Đó là nội dung thông tin sau: “Giữa năm 1958, Phan Khôi cùng hai người nữa bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn. Mãi đến năm 2007, trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại mới thấy ghi tên và hình minh họa chân dung ông với danh hiệu hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam” (tr.356). Thông tin này không đúng.
Từ năm 1989 khi Hội Nhà văn Việt Nam tuyên bố phục hồi danh hiệu hội viên cho nhà văn Phan Khôi và các nhà văn liên quan đến nhóm Nhân văn Giai phẩm còn sống được trở lại sinh hoạt Hội (Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán…) thì việc ghi tên và hình minh họa chân dung nhà văn Phan Khôi cùng các nhà văn khác đã được thực hiện trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại do Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản từ năm 1992. Tên và hình minh họa chân dung nhà văn Phan Khôi được in tại trang 83, vị trí B.178, sau tên nhà văn Phạm Thiều (B.177) và trước tên nhà văn Thợ Rèn (B.179), nhà văn Trần Huy Liệu (B.180).
Bình luận (0)