Theo Tổng cục Hải quan, ước tính trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 9 đạt 250 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước tính đạt 2,45 tỉ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng mạnh nhất đến 68%, đạt 158 triệu USD trong 8 tháng qua |
T.N |
Trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu trong 8 tháng qua, thanh long vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất với giá trị gần 463 triệu USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch của mặt hàng này giảm gần 40%. Thanh long là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành rau quả Việt Nam, với trên 1 tỉ USD/năm và thị trường chủ lực là Trung Quốc. Năm nay, thị trường này giảm mạnh nhập khẩu vì liên quan đến các chính sách phòng chống dịch Covid-19.
Sản phẩm chuối đứng ở vị trí thứ 2 với 237 triệu USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước. Trái sầu riêng tăng trưởng mạnh nhất đến 68%, đạt 158 triệu USD. Theo các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Nguyên nhân từ giữa tháng 9, Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Sản phẩm sầu riêng của Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan và Malaysia.
Trong nhóm quả tươi thì chanh leo và chanh cũng có tốc độ tăng trưởng mạnh từ 19 - 22%.
Bên cạnh rau quả tươi, nhóm sản phẩm chế biến đạt 661 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Theo các chuyên gia, đây là chủng loại cần được đẩy mạnh, bởi nhu cầu sử dụng rau quả chế biến gia tăng trên toàn cầu đặc biệt là các thị trường cao cấp tuy nhiên Việt Nam mới chỉ đáp ứng được tỷ trọng thấp. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả.
Bình luận (0)