Xuất khẩu có tín hiệu sáng

02/10/2020 06:11 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang bước vào mùa sản xuất mới sau những tháng ngày lao đao vì dịch Covid-19.

Đơn hàng tăng nhẹ

Ngoài những mặt hàng nông sản, thủy sản đã có tín hiệu khả quan ngay từ trong tháng 8 sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, những ngành sản xuất xuất khẩu khác như dệt may, da giày, đồ gỗ… cũng bắt đầu có nhiều tín hiệu vui trở lại.

Có đơn hàng lúc này đã là tốt, đơn hàng tăng, càng thấy có động lực hơn. Điều này cho thấy thị trường đang hồi sinh chứ không thể nào “thê thảm” mãi như hồi tháng 3 đến tháng 6

Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty Dony

Ngày 1.10, với giọng hồ hởi, bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH giày Liên Phát, cho biết công ty đã có đủ lượng đơn hàng để sản xuất trong quý 4. “Rất vui vì ký được mấy đơn hàng liên tục chứ quý 2 và 3, chúng tôi chỉ sản xuất hàng tồn từ đầu năm. Hiện tại tuy lượng đơn hàng mới vẫn chỉ đáp ứng được 70% công suất của công ty cho quý cuối năm nhưng đây là tín hiệu đáng mừng trong tình hình khó khăn như hiện nay”.
Hàng sản xuất của Công ty giày Liên Phát chủ yếu xuất sang thị trường EU, nên theo bà Trương Thị Thúy Liên, có thể một phần nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, khiến thuế nhập khẩu một số sản phẩm giảm hơn. Nhưng do thị trường tiêu thụ vẫn còn khá yếu nên giá của những đơn hàng mới cũng bị giảm khoảng 10 - 15% so với trước. “Công ty vẫn có đủ việc cho gần 1.200 công nhân trong bối cảnh khó dự báo thị trường là may lắm rồi”, bà Trương Thị Thúy Liên chia sẻ thêm.
Tương tự, Công ty cổ phần quốc tế Dony chuyên may khẩu trang vải, đồ bảo hộ y tế xuất khẩu đi Mỹ và các nước Trung Đông và Úc cũng đã có đủ đơn hàng để làm lai rai từ nay đến cuối năm. Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty Dony, thông báo sau thời gian “u ám” vì lo lắng không có đơn hàng để làm trong tháng, nay đã “vượt ngoài mong đợi”. Tuy nhiên, ông Quang Anh cũng nhấn mạnh, ngành hàng làm truyền thống trước đây của doanh nghiệp (DN) như may mặc đồng phục vẫn “giậm chân tại chỗ”. “Có đơn hàng lúc này đã là tốt, đơn hàng tăng, càng thấy có động lực hơn. Điều này cho thấy thị trường đang hồi sinh chứ không thể nào “thê thảm” mãi như hồi tháng 3 đến tháng 6”, ông Anh nói.
Trong số nhiều mặt hàng xuất khẩu có tín hiệu lạc quan hơn còn có thể kể đến nhóm hàng nông lâm thủy sản. Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), chỉ riêng 15 ngày đầu tháng 9 này, lượng đơn hàng xuất khẩu cả nước ước tăng 24% so cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 1.131 tỉ USD. Tính 9 tháng năm nay, xuất khẩu nhóm hàng này tăng hơn 11%, đạt 8,38 tỉ USD. Trong các thị trường xuất khẩu tỉ đô với nhóm hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, thị trường Mỹ tăng mạnh nhất hơn 27% so cùng kỳ, đạt gần 4,2 tỉ USD.

Hy vọng hết “ăn đong” trong quý 4

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, nhiều DN hội viên thông tin có đơn hàng đến tháng 11 thay vì chỉ có hàng tuần hoặc từng tháng như trước. Dù vậy lượng đơn hàng không tăng mạnh nên vẫn còn những DN nhỏ chưa có gì. Trong đó, thị trường Nhật Bản có chuyển biến tích cực hơn, Mỹ và EU vẫn còn nhiều bất ổn. Ông Hồng nhấn mạnh ngành dệt may Việt Nam chưa chuẩn bị kịp về nguồn nguyên phụ liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ nhằm hưởng ngay được ưu đãi về thuế khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực nên trong năm nay cũng chưa thể kỳ vọng nhiều cho xuất khẩu dệt may liên quan đến thị trường EU. Song việc “ăn đong” từng đơn hàng theo tuần chắc sẽ không còn.

9 tháng xuất siêu gần 17 tỉ USD

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan ngày 1.10, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của VN 9 tháng năm 2020 ước đạt 388,73 tỉ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 202,86 tỉ USD, tăng 4,2% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 185,87 tỉ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Cán cân thương mại hàng hóa của VN trong 
9 tháng năm 2020 ước tính thặng dư (xuất siêu) 16,99 tỉ USD.
Anh Vũ - Ng.Nga
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, xác nhận lượng đơn hàng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ bắt đầu tăng đến 2 con số từ tháng 8 đến nay. “Trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ngành xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm gỗ lại bị ảnh hưởng không nhiều. Đặc biệt, thời gian để “hồi sinh” tốc độ xuất khẩu lại rất sớm, tăng trưởng trong 2 tháng qua khá lạc quan. Với thị trường Mỹ, xuất khẩu gỗ cũng tăng tốt do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, lượng đơn hàng từ Trung Quốc với ngành này đã chuyển sang Việt Nam nhiều hơn trước. Đặc biệt, các mặt hàng trước đây từng không là thế mạnh của Việt Nam như tấm panel, tủ bếp, tủ phòng tắm… tăng mạnh. Ngành xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ bị biến động từ tháng 3, khi dịch bùng phát và lan rộng trên toàn cầu. Song bắt đầu từ tháng 7 năm nay, nhu cầu nhập khẩu gỗ và lâm sản đã tăng lên đáng kể với nhiều đơn hàng đã được ký kết. Trong tháng 8, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 8 đã đạt trên 1 tỉ USD”, ông Phương nhận xét. Có 5 thị trường xuất khẩu lâm sản chính trong 8 tháng đạt trên 7 tỉ USD, chiếm 89,4% giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam, gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.