Ngày 13.4, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 3/2023 là 9.494 lao động, gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 3.2022 là 1.096 lao động).
Trong số này, thị trường Nhật Bản có 5.223 lao động, Đài Loan 3.435 lao động, Trung Quốc 278 lao động nam, Hồng Kông 137 lao động nam, Hàn Quốc 48 lao động nam, Hungari 124 lao động, Romania 25 lao động, và các thị trường khác.
Năm 2023, Bộ LĐ-TB-XH dự tính đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong 3 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 37.923 lao động, đạt 34,48% kế hoạch năm 2023 và gấp hơn 15 lần (15,45 lần) so với cùng kỳ năm ngoái (3 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 2.455 lao động).
Trong đó, thị trường Nhật Bản 17.696 lao động, Đài Loan 18.044 lao động, Trung Quốc 517 lao động nam, Singapore 364 lao động nam, Hàn Quốc 278 lao động nam, Hungari 204 lao động, Romania 223 lao động, và các thị trường khác.
Mục tiêu Bộ LĐ-TB-XH đề ra trong năm 2023 là tăng dần số lượng lao động Việt Nam có tay nghề đi làm việc tại một số quốc gia châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định, thu nhập cao.
Cùng với việc mở rộng thị trường, việc nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ được chú trọng. Để đạt được mục tiêu trên, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng phải chủ động hơn trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, cần tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc nước ngoài với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để làm sao có nguồn lao động, đáp ứng được yêu cầu, điều kiện của các đối tác nước ngoài.
Bình luận (0)