Tăng ca ngay đầu năm
Hôm qua (19.2, mùng 10 tháng giêng), Công ty TNHH Forimex Thịnh Hoàng (Bà Rịa-Vũng Tàu) chính thức khai trương và toàn bộ công nhân bắt tay sản xuất để kịp xuất lô hàng đi châu Âu vào cuối tuần này. Ông Võ Ngọc Tường Linh, Giám đốc Công ty TNHH Forimex Thịnh Hoàng, cho biết: "Do cuối năm công nhân phải tăng ca, làm tất bật để kịp xuất lô hàng nội thất khá lớn, đi Canada vào ngày 27 tháng chạp nên tết này chúng tôi cho công nhân nghỉ dài ngày một chút. Đầu năm âm lịch, khi bắt tay vào việc, phải tăng ca để kịp lô hàng đầu năm mới xuất sang châu Âu vào cuối tuần này. Lượng đơn hàng công ty ký kết với các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, Canada từ trước Tết Nguyên đán, đủ để làm đến cuối quý 2 năm nay", ông Linh nói.
Tuy vậy, ông Linh cũng thừa nhận, quy mô các đơn hàng khá nhỏ nên nhà máy thực tế chưa làm hết công suất thiết kế. Nhà máy có thể làm 20 - 25 container mỗi tháng, hiện nay mới làm gần 10 container, trong đó 70% là khách hàng đến từ châu Âu. Đây cũng là nhóm khách hàng truyền thống và tiềm năng của công ty. Tuy vậy, năm 2023 lượng hàng xuất đi châu Âu giảm mạnh. Công ty có khách hàng truyền thống ở Đan Mạch, trước đó mỗi năm xuất gần 200 container, năm 2023 khách hàng này chỉ mua hơn 100 container, giảm gần 50%. Bên cạnh đó, các mặt hàng khách hàng chọn nay cũng khác, đa số mua hàng hóa có giá trị thấp từ 10 - 20 USD/sản phẩm, trong khi trước đây mua hàng lớn, đơn giá từ 100 - 200 USD/sản phẩm.
"Đơn hàng nhỏ nhiều, khách giảm mua sản phẩm đắt tiền trên 100 USD, trong khi những sản phẩm đó mới là mặt hàng có lợi của chúng tôi do cùng chi phí nhân công nhưng giá trị cao hơn. Thứ nữa là cạnh tranh về giá cả cũng rất gay gắt, khách hàng nay trả từng xu trên mỗi mặt hàng, cò kè rất lâu, nên để có đơn hàng mới là một nỗ lực không nhỏ của doanh nghiệp", ông Linh chia sẻ và khẳng định luôn trong tâm thế lạc quan và đặt mục tiêu năm nay doanh số tăng 30% so với năm 2023.
Xuất khẩu nhộn nhịp ngay đầu năm
Tại Công ty TNHH bao bì Phúc Thịnh (H.Bình Chánh, TP.HCM), ngay trong ngày đầu tiên khai trương (mùng 6 Tết Nguyên đán, 15.2), 100% công nhân đã có mặt tại nhà máy để gặp mặt đầu năm và bắt tay vào sản xuất. Đại diện của doanh nghiệp này cho hay, do nhu cầu của khách hàng thuộc ngành hàng tiêu dùng thiết yếu tăng mạnh, nên công ty khai xuân sớm. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, nhà máy phải hoạt động tăng ca để kịp đơn hàng. Lượng đơn hàng dịp này tăng đến 20% so với cùng kỳ năm trước. Đáng nói, không chỉ tăng đơn hàng trong nước, hoạt động sản xuất xuất khẩu của công ty cũng có tín hiệu tích cực. Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH bao bì Phúc Thịnh, cho biết doanh nghiệp đã đầu tư nhiều máy móc, nguyên liệu, thiết kế nhiều mẫu mã mới, có chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, Canada… ngay từ đầu năm.
Tương tự, Công ty O.I (Đắk Lắk) chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản và gia vị cũng cho biết lượng đơn hàng tăng, có nhiều tín hiệu tích cực từ các thị trường truyền thống. Ngay trước Tết Nguyên đán, công ty kịp xuất khẩu 3 container nghệ khô đi Ấn Độ và 3 container tiêu đi Mexico. Trong tháng giêng này, công ty sẽ tiếp tục xuất tiếp 2 container nghệ khô đi Ấn Độ và 1 container đi Mexico. Gia vị là một trong những ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn của VN. Với lợi thế địa lý, khí hậu và đa dạng sinh học, VN có thể sản xuất được nhiều loại gia vị có chất lượng và hương vị đặc trưng, khác biệt với các sản phẩm cùng loại trên thế giới.
Với mặt hàng dệt may, phản ánh từ các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu cho thấy có nhiều tín hiệu lạc quan khi đơn hàng tăng. Công ty TNHH may mặc Dony mặc dù khai xuân ngày hôm qua (19.2) nhưng đã xuất đơn hàng đi Campuchia từ mùng 6 tết (15.2).
Số liệu cho thấy tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may đạt 3,5 tỉ USD, tăng 30% so cùng kỳ năm trước và cũng là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Đại diện Tập đoàn Dệt may VN cho hay, đơn hàng của các doanh nghiệp thành viên đa số làm đến quý 2 năm nay. Dệt may cũng là một trong những ngành hàng xuất khẩu mà trong năm qua có nhiều doanh nghiệp mở rộng thêm khách hàng mới, tìm đến các thị trường ngách để bù lượng đơn hàng giảm từ khách hàng truyền thống.
Đẩy mạnh mở rộng thị trường
Theo Bộ Công thương, xuất khẩu tháng đầu năm 2024 tăng mạnh nhờ động lực từ 2 nhóm ngành chính là nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, tăng lần lượt gần 97% và 38%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng 2 đến 3 con số như: hàng dệt may tăng 28,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 74,6%; giày dép các loại tăng 35%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 57,4%...
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2024, Bộ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hơn 6% và xuất siêu ước đạt 15 tỉ USD. Trong bối cảnh hiện nay, Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh cơ hội để đặt mục tiêu trên là khả thi do tín hiệu phục hồi xuất khẩu tính đến 15.2 là khá tốt.
Tuy nhiên, có một thực tế gây khó khăn không ít cho doanh nghiệp xuất khẩu, đó là chi phí vận tải biển tăng mạnh. Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) Nguyễn Hoài Nam thông tin, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu đều tăng mạnh trong tháng đầu năm. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có lô hàng xuất đi ngay trong dịp Tết Nguyên đán. Song căng thẳng tại khu vực biển Đỏ đang là vấn đề quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu do chi phí vận chuyển tăng rất mạnh. Trong một tháng qua, tổng cước phí phải trả cho 1 container hàng vận chuyển đi Bờ Tây (Mỹ) đã tăng 70%. Hàng đông lạnh xuất khẩu đi châu Âu đã tăng gần 4 lần. Căng thẳng ở biển Đỏ cũng khiến thời gian vận chuyển từ châu Á đến châu Âu kéo dài tới 14 ngày, khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn.
Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: "Đơn hàng xuất khẩu quay trở lại được nhìn thấy rất rõ qua kim ngạch tăng mạnh. Trong dịp tết này, nhiều lô hàng nông sản, điện tử, dệt may... cũng lên tàu đến các nước. Tuy nhiên, trao đổi với các doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy hầu hết các đơn hàng mới chỉ là ngắn hạn, dài nhất cũng chỉ đến tháng 6.2024. Việc trước mắt là doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng các thị trường mới. Đặc biệt, bổ sung đầu tư đáp ứng với yêu cầu xanh hơn, giảm phát thải carbon cũng như đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm… của các thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh liên doanh, liên kết, tăng tỷ lệ nội địa hóa nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu của hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, hạ thấp giá thành sản phẩm, để cạnh tranh tốt tại thị trường trong nước và thế giới".
Việc trước mắt là doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng các thị trường mới. Đặc biệt, bổ sung đầu tư đáp ứng với yêu cầu xanh hơn, giảm phát thải carbon cũng như đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm… của các thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh liên doanh, liên kết, tăng tỷ lệ nội địa hóa nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh
Trước nhiều diễn biến phức tạp về xung đột địa chính trị trên thế giới, Bộ Công thương cho rằng việc tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do mở rộng thêm các thị trường mới là cần thiết. Mục đích để doanh nghiệp đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu nhằm giữ nhịp tăng trường tốt cho năm nay.
Bình luận (0)