Hiện nay phế phẩm từ dừa có thể chế biến ra hàng loạt sản phẩm khác
nhau như: xơ dừa thô ép kiện, chỉ xơ dừa, thảm xơ dừa, mụn dừa, than
gáo dừa...
Xơ dừa cũng là mặt hàng xuất khẩu - Ảnh: Chí Nhân |
Chỉ một cơ sở chế biến xơ dừa thô ép kiện xuất khẩu cũng có thể thu nhập vài ba tỉ đồng mỗi năm.
Khánh Thạnh Tân là một làng nghề chế biến phế phẩm từ dừa để xuất khẩu có tiếng của tỉnh Bến Tre với gần 40 cơ sở và doanh nghiệp. Làng nghề này nằm cặp tuyến sông Cổ Chiên, thuộc H.Mỏ Cày Bắc. Chính nhờ vị trí trên bến dưới thuyền thuận tiện cho giao thông thủy bộ mà làng nghề này đã phát triển mạnh từ nhiều năm qua.
Trên một khu đất rộng chừng 3.000 m2, dưới cái nắng chói chang của buổi trưa, hàng chục công nhân của Công ty TNHH Nguyễn Ngọc Thể vẫn cần mẫn trở qua trở lại từng luống chỉ xơ dừa đang phơi để chuẩn bị đóng thành kiện xuất khẩu. Một công nhân ở đây cho biết vào những ngày nắng tốt, lượng xơ dừa phơi được nhiều thì tiền công có thể lên đến 300.000 đồng/ngày, ngày ít hơn cũng chừng 200.000 đồng.
Ông Trần Ngọc Tú, đại diện doanh nghiệp này cho biết: Cơ sở chỉ xuất khẩu xơ dừa thô đóng kiện, mỗi năm vài chục ngàn tấn với giá bán hiện nay 170 USD/tấn. Lúc cao điểm mức giá lên đến 320 USD/tấn. Nhưng hiện nay do phía Trung Quốc thu mua chậm nên giá giảm. Như vậy tính ra mỗi năm cơ sở này cũng thu về vài ba tỉ đồng từ việc xuất khẩu chỉ xơ dừa thô. Hiện tại cơ sở tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động.
Ông Tú cũng cho biết thêm, nếu xơ dừa thô này được se thành sợi thì giá xuất lên đến trên 500 USD/tấn. Còn nếu dệt thành thảm xơ dừa thì giá còn cao hơn nhiều và không cố định vì nó tùy thuộc vào mẫu mã, kích thước của nhà nhập khẩu. Người ta dùng chỉ xơ dừa thô để chế biến vật liệu xây dựng, vật liệu phục vụ nông nghiệp và nhiều việc khác, còn chỉ được se sợi dùng để làm hàng thủ công mỹ nghệ.
Theo báo cáo của UBND xã Khánh Thạnh Tân, một cơ sở trung bình sản xuất khoảng 30.000 tấn xơ dừa mỗi năm. Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, ngoài ra còn có Ấn Độ, Hàn Quốc...
Ban đầu, làng nghề sản xuất xơ dừa Khánh Thạnh Tân, chỉ chuyên về sản xuất xơ dừa, từ hoạt động này đã thải ra một lượng lớn mụn dừa. Mụn dừa được người dân sử dụng một phần rất ít làm phân bón cho cây trồng, còn lại gần như bị thải hoàn toàn xuống dòng sông. Điều này gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống người dân và nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên vài năm gần đây mụn dừa cũng được ép thành kiện để xuất khẩu trực tiếp. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất còn tận dụng mụn dừa để sản xuất đất sạch phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc biến mụn dừa thành sản phẩm đã góp phần tận dụng tối đa nguồn phế phẩm trong quá trình sản xuất, tăng thu nhập cho các cơ sở sản xuất và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Theo ước tính của các cơ sở sản xuất, việc tận dụng nguồn phế phẩm mụn dừa mỗi ngày các cơ sở có thêm thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng.
Bên cạnh vỏ dừa được chế biến thành các mặt hàng xuất khẩu thì gáo (sọ) dừa cũng được chế biến thành than hoạt tính và than thiêu kết với sản lượng xuất khẩu lên đến hàng chục ngàn tấn mỗi năm.
Bình luận (0)