"Vua" sầu riêng VN mê thị trường 1,4 tỉ dân
Thông tin từ Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), trong tháng 10.2023 đã xuất bán 39.100 tấn chuối và 442 tấn sầu riêng…, chủ yếu qua thị trường Trung Quốc, mang về doanh thu 410 tỉ đồng. Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Công ty HAGL, người có vườn sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á, nhiều lần chia sẻ với báo chí và cổ đông rằng ông "mê" nhất thị trường Trung Quốc vì đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới ở cả 2 khía cạnh là dân số và khả năng chi trả. "Cái gì mà Trung Quốc đã chịu "ăn" thì chỉ sợ chúng ta không có sức để làm. Và phải làm thật tốt thì không lo không có đầu ra", người được mệnh danh là "vua" sầu riêng khẳng định.
Gần một năm trước, ngày 8.1.2023, Trung Quốc chính thức mở cửa sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch. Một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất là rau quả xuất khẩu của VN. Số liệu thống kê của hải quan cho thấy, tính từ đầu năm đến hết tháng 10, xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc đạt 3,18 tỉ USD, tăng đến 164% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng từ 44% hồi năm 2022 lên 66% trong năm 2023. Trong khi thị trường Mỹ chỉ đạt 212 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; tỷ trọng từ 8% xuống còn 4,4%.
Bên cạnh rau quả, điểm đến quan trọng của mặt hàng thủy sản VN hiện cũng dịch chuyển dần từ Mỹ sang Trung Quốc. Tính đến tháng 10, xuất khẩu thủy sản của VN vào Mỹ và Trung Quốc cùng đạt 1,3 tỉ USD; tuy nhiên mức sụt giảm của thị trường Mỹ đến 33% trong khi Trung Quốc chỉ giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), tính đến hết tháng 11, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành khách hàng lớn nhất của VN. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh từ nay đến tháng 2.2024 để phục vụ mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm và tết Nguyên đán.
Thậm chí một số mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo của VN cũng đang dịch chuyển qua ông láng giềng tỉ dân. Theo công bố của Bộ Công thương, tính chung 11 tháng của năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 56 tỉ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Thời gian qua, xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, cơ bản không bị ách tắc kể cả lúc cao điểm. Trung Quốc là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của VN đạt mức tăng trưởng dương trong khi các thị trường lớn khác đều giảm. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng có sự đảo chiều từ mức giảm 2,2% sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng của năm 2023. Trung Quốc hiện chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN.
Vẫn chưa khai thác hết tiềm năng
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), cho biết: Thương mại nói chung giữa VN và Trung Quốc vẫn còn nhiều tiềm năng mà cả 2 bên chưa khai thác hết. Đầu tiên, Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ rộng lớn với 1,4 tỉ dân. Đặc biệt, người dân có thu nhập cao và mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ, hàng hóa chất lượng cao ngày càng lớn; kèm theo đó là thói quen tiêu dùng tương đồng với người VN. Đây là cơ hội và cả thách thức nếu doanh nghiệp (DN) VN muốn xâm nhập thị trường quan trọng này.
Theo ông Nguyên, lợi thế lớn nhất của VN không phải là có chung đường biên giới với Trung Quốc, mà là gần các chợ đầu mối của Trung Quốc nhất. Các tỉnh phía bắc của VN giáp với các tỉnh đông dân của nước này như: Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam…, nơi tập trung các chợ đầu mối nông sản. Từ các chợ này, hàng hóa được lan tỏa đi khắp Trung Quốc. Chúng ta đưa hàng vào các chợ này chỉ mất 100 - 200 km trong khi các nước khác cũng có đường biên giới với Trung Quốc nhưng ở khoảng cách tới cả 1.000 km. Đến năm 2025, nếu toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam của VN đưa vào sử dụng thì hàng hóa của VN sẽ tăng tính cạnh tranh khi rút ngắn thời gian vận chuyển. Ngoài đường bộ, chúng ta còn có đường biển với Trung Quốc cũng gần nhất.
"So với các nước khác thì 2 nước vẫn chưa khai thác hết lợi thế. Cụ thể, Thái Lan đã có hơn 20 nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu nông sản, trong khi con số này của VN mới là 12. Ví dụ, với sầu riêng và dừa, Thái Lan được cấp nghị định thư cả trái tươi, đông lạnh và chế biến; trong khi sầu riêng VN mới có trái tươi và đang xem xét nghị định thư cho dừa tươi. Nếu được "mở thêm cửa" cho 2 loại này thì kim ngạch xuất khẩu của VN có thể tăng thêm ít nhất 1 - 1,5 tỉ USD. Ngoài ra, số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của VN cũng ít hơn so với Thái Lan", ông Nguyên phân tích.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nêu quan điểm: Năm 2023 là một năm ngành thủy sản đối mặt với nhiều thách thức. Trong khi nhiều thị trường quan trọng sụt giảm mạnh thì Trung Quốc sụt giảm ít nhất. Vì thế, nước này đang trở thành thị trường quan trọng hàng đầu, đặc biệt sau khi kết thúc 11 tháng. Xét về cơ hội và tiềm năng, thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều triển vọng tăng trưởng. Đáng chú ý, Trung Quốc có tính đa dạng cao nên sẽ có nhiều cơ hội cho các sản phẩm như cá tra nhờ giá thành cạnh tranh. Ngoài ra nước này cũng có lượng khách hàng cao cấp nên phù hợp với những sản phẩm tôm chế biến sâu, vốn là thế mạnh của VN. Nhiều DN thủy sản cũng xác định Trung Quốc là thị trường quan trọng cần tập trung phát triển.
DN nên đến Trung Quốc để tìm hiểu thị trường
Nhiều mặt hàng nông thủy sản của VN được tiêu thụ tốt ở Trung Quốc như sầu riêng, hạt điều, cao su… Tuy nhiên, nông dân cũng cần bình tĩnh tìm hiểu và nắm bắt thông tin tốt hơn để tránh tình trạng như cây thanh long hiện nay rất khó tiêu thụ. Việc lao theo mở rộng diện tích vùng trồng sầu riêng sẽ mang lại nhiều hệ lụy không tốt.
Đối với DN VN, cần chủ động khảo sát thị trường này để hiểu rõ hơn về thị hiếu, nhu cầu, xu hướng tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần biết rõ các quy định xuất nhập khẩu của Trung Quốc để điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, bao bì… Hội DN VN tại Trung Quốc luôn sẵn lòng chung tay hỗ trợ để đưa hàng nông sản Việt vào thị trường Trung Quốc ở tất cả các khâu.
TS Trà My, Chủ tịch Hội DN VN lâm thời tại Trung Quốc
Đẩy nhanh tiến độ đưa hàng vào Trung Quốc
Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp Bộ NN-PTNT đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của VN như: bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới… Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa VN - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.
Bình luận (0)