Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2023 ghi nhận thành công vượt bậc của ngành chăn nuôi khi giá trị xuất khẩu lên tới 515 triệu USD, tăng 26,2% với năm 2022. Thành quả ấn tượng này đã đưa chăn nuôi vào nhóm những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao nhất toàn ngành nông nghiệp.
Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 132 triệu USD, tăng 24,1%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 157 triệu USD, tăng 36,3%.
Đáng lưu ý, xuất khẩu thịt heo năm 2023 có tăng trưởng đột phá so với năm 2022. Cụ thể, tổng khối lượng thịt heo xuất khẩu năm 2022 là 11.518 tấn đã tăng lên 12.276 tấn trong năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu thịt heo cả năm 2023 đạt gần 63,3 triệu USD, tăng 28% so 49,314 triệu USD trong năm 2022.
Các sản phẩm được xuất khẩu nhiều nhất là: thịt heo sữa, thịt heo choai, thịt heo mảnh đông lạnh. Ngoài ra, thịt heo chế biến đang được xuất khẩu sang các thị trường Malaysia, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Myanmar, Úc... Trong đó, Hồng Kông đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất thịt heo của Việt Nam, chiếm 87,43% về lượng và chiếm 93,8% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt heo tươi, ướp lạnh, đông lạnh của cả nước.
Cũng theo Cục Chăn nuôi, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu xuất được 4.634 tấn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm. Trong đó, Trung Quốc, Papua New Guinea, Hồng Kông, Campuchia đang là thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm thịt gia cầm, chân gà, cánh gà từ Việt Nam.
Thịt gà chờ 'vé thông hành' sang Anh, Hàn Quốc
Tại Hội nghị tổng kết công tác Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) diễn ra cuối tháng 12 vừa qua, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết năm 2023, ngành thú y đã kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là bệnh cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục... tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Long, một trong những điều kiện đầu tiên để xúc tiến thương mại, xuất khẩu động vật và sản phẩm từ động vật là phải có các vùng chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Cập nhật đến cuối năm 2023, cả nước có 3.940 cơ sở, vùng được chứng nhận an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố; trong đó có 2 vùng cấp tỉnh, 64 vùng cấp huyện; 240 vùng cấp xã và 3.634 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Nhờ đó, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã tiếp cận thêm nhiều thị trường mới. Gần đây nhất, sản phẩm tổ yến của Việt Nam đã được xuất khẩu đi Trung Quốc.
Cũng theo thông tin từ Cục Thú y, sau thịt lợn, thịt trâu, thịt bò... hiện nay , sản phẩm thịt gà và trứng gia cầm của Việt Nam đang được rất nhiều quốc gia quan tâm, xem xét để nhập khẩu.
Gần đây nhất, các nước Hàn Quốc, Anh đã cử đoàn thanh tra sang làm việc với Cục Thú y, trực tiếp đi đánh giá hệ thống quản lý chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu. Dự kiến ngay trong quý 1, khi 2 thị trường này hoàn tất quy trình đánh giá, thịt gà Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Anh, Hàn Quốc.
Ngoài ra, trong tháng 11.2023, Cục Thú y đã đàm phán thành công với Tổng cục Thú y Mông Cổ để xuất khẩu thịt và trứng gia cầm của Việt Nam.
Việt Nam chi 1,51 tỉ USD nhập khẩu thịt
Theo Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), trong năm 2023, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,51 tỉ USD, giảm 0,6% so với năm 2022. Trong đó, nhập khẩu thịt heo khoảng 114.000 tấn, 245.600 tấn thịt gia cầm, 179.700 tấn thịt trâu, bò.
Năm 2023, lượng nhập khẩu thịt heo chỉ tương đương năm 2022 nhưng nhập khẩu phụ phẩm ăn được từ heo lại tăng 77%. Nhập khẩu gia cầm giảm so với năm 2022. Trong khi đó, nhập khẩu thực phẩm từ trâu đều tăng (thịt tăng 10,2%, phụ phẩm từ trâu tăng 60,1%). Nhập khẩu thịt bò giảm 18,1%, trong khi nhập khẩu phụ phẩm từ bò tăng 19,6%. Trong 2 năm trở lại đây ghi nhận nhập khẩu trâu, bò sống về giết mổ đã giảm 49 - 54%.
Bình luận (0)