Xúc cá lia thia thu tiền triệu

07/02/2017 06:30 GMT+7

Chuyện về nhiều người dân xúc cá lia thia bán thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm ở H.Đức Huệ (Long An) nghe qua cứ tưởng như đùa, nhưng đó là sự thật.

Sáng nào cũng vậy, trong lúc cả nhà còn ngủ thì ông Phan Văn Thêm (52 tuổi, ngụ ấp 1, xã Bình Hòa Nam, H.Đức Huệ) đã lục đục chuẩn bị rổ xúc, thúng, bao tay và hộp cơm, bắt đầu hành trình đến khu vực nông trường Bé Hai cách nhà 20 km để xúc cá lia thia.
Khu vực nông trường rộng khoảng 2.000 ha. Nơi đó, những con mương nước phèn yên tĩnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá lia thia sinh sản rất nhiều, nhất là mùa mưa. Đặc biệt, vào mùa nước nổi, cá về đây và trú lại trong các mương, hố bom, khu đất trũng… Những người như ông Thêm đến nơi này để xúc cá kiếm sống. Vào mùa cao điểm mỗi ngày có cả trăm người đi xúc cá như ông.
Ông Thêm kể lại cách đây hơn 10 năm, nhà ông trồng 3 công chanh nhưng cuộc sống rất bấp bênh nên được chính quyền đưa vào diện hộ nghèo. Sau đó, ông cùng nhóm thanh niên trong ấp chuyển sang nghề xúc cá lia thia. Ngày nào ít thì cũng thu nhập được 500.000 đồng, hôm “trúng đậm” có khi được 1 triệu đồng. Nhờ vậy mà đến năm 2010, gia đình ông đã thoát nghèo.
Mắm cá lia thia
Hầu hết cá lia thia xúc về được bán cho các cơ sở làm mắm. Bà Nguyễn Thị Nhịn (42 tuổi, ngụ ấp 1, xã Bình Hòa Nam) là chủ cơ sở thu mua và chế biến mắm cá lia thia, cho biết khi vào vụ mỗi ngày cơ sở mua từ 200 - 300 kg cá. Cách thức làm mắm cũng khá đơn giản, cứ 1,3 kg cá tươi làm được 1 kg mắm chua lia thia. “Cá phải lựa kỹ, rửa sạch thật nhẹ tay, đem ướp với ít muối trong một đêm rồi giở ra, cho bột thính (cơm khô rang đen) vào với tỷ lệ thích hợp, trộn đều. Sau đó, cho cá đã trộn bột thính vào chậu, phủ kín mặt một lớp lá chuối tươi, dán băng keo kín miệng nắp, 30 ngày sau sẽ ăn rất ngon”, bà Nhịn chia sẻ.
Anh Lê Văn Chính (36 tuổi, ngụ ấp 1, xã Bình Hòa Nam) là một trong những người “sát cá” trong vùng, cho biết những mương có nước chừng 0,5 m, cây năng mọc nhiều thì cá nhiều. Bình quân mỗi ngày vợ chồng anh dành 4 - 5 tiếng đồng hồ và bắt được khoảng 4 kg, thu nhập gần 800.000 đồng.
Bình Hòa Nam là xã vùng sâu, vùng đất phèn, người dân quanh năm sống cơ cực. Gần đây, khi đường giao thông phát triển, đất trồng được chanh, đu đủ, khoai mì thì nhiều hộ có bước chuyển khá lên. Trong số này, có vài chục hộ đã thoát nghèo nhờ thu nhập từ cá lia thia. Ông Thêm chia sẻ: “Tui chỉ xúc cá lia thia bán. Giá cá hiện tại 200.000 đồng/kg, bình quân một buổi đi bắt được 2 - 3 kg. Trong một năm trừ 2 tháng mùa khô và 1 tháng tết, còn lại 9 tháng là thời gian “làm ăn”, thu nhập cũng ổn định”.
Không riêng gì ông Thêm, khoảng 30 hộ dân ở ấp 1, xã Bình Hòa Nam nhờ sống bằng nghề xúc cá lia thia từ 10 - 15 năm nay mà hiện đã có cuộc sống ổn định. Anh Nguyễn Văn Hà (37 tuổi) thật thà chia sẻ: “Nếu đi hái chanh, làm vườn thuê mỗi ngày chỉ được 150.000 đồng, trong khi vợ chồng tôi đi xúc cá lia thia một buổi bán được hơn số tiền đó. Mỗi ngày, dù phải thức khuya dậy sớm, lo cơm nước cho con rồi mới đi, nhưng mình chỉ mất 4 - 5 tiếng đồng hồ, sau đó về nghỉ ngơi làm việc khác được”. Theo anh Hà, những người làm nghề này rất tôn trọng nhau, muốn xúc chỗ nào cũng được, không ai giành “lãnh địa” hoặc hơn thua nhau. Mọi người đều rất vui vẻ, chan hòa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.