Xúc động ngắm nhìn những 'cụ' cây Việt Nam nghìn năm tuổi

22/04/2022 13:59 GMT+7

Cây Pơ mu 1.500 tuổi và Sa mu dầu 1.200 tuổi được coi là những 'thần mộc' của rừng Xuân Liên, Thanh Hóa. Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam H’ Hen Niê xúc động nghẹn ngào khi được chạm vòng tay vào những 'cụ' cây nghìn năm tuổi.

H’Hen Niê (bìa trái) cùng cán bộ Gaia, khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, bên "cụ" cây Sa mu dầu nghìn năm tuổi

Gaia

Hôm nay, 22.4 là ngày Trái đất. Ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Thanh Hóa, Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam H’ Hen Niê vừa có hành trình đến thăm cây di sản Việt Nam, đó là "cụ" cây là Pơ mu 1.500 tuổi và Sa mu dầu 1.200 tuổi. Trước đó, cuối tháng 3, cô hạnh phúc khi cùng nhiều người trẻ tự tay trồng những cây Pơ mu xanh non và giám sát sự phát triển vượt bậc của cây tại chính khu rừng này.

Trải qua gần 4 giờ đi bộ dưới những tán rừng xanh mát, băng qua những con suối, thử sức vượt qua cung đường mòn hiểm trở, H’Hen Niê, đội ngũ cán bộ Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia và cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã đến "nhà" của các "cụ" cây nghìn năm tuổi.

"Cụ" cây Sa mu dầu 1.200 tuổi
"Cụ" cây Pơ mu 1.500 tuổi
Gaia

Tọa lạc tại vị trí có độ cao 1.300 m so với mực nước biển, nằm giáp biên giới Việt - Lào, khu rừng thuộc bản Vịn, xã Bát Mọt, H.Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Rừng đang bảo tồn nhiều “báu vật”, đó là số lượng lớn cây pơ mu, sa mu dầu với đường kính khổng lồ từ 3 đến gần 4m, chiều cao lên đến 45m.

Lần đầu tiên được tới thăm các "cụ" cây nghìn tuổi, H’ Hen Niê không giấu được sự kinh ngạc và xúc động khi được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của những cây gỗ lớn bản địa vốn được mệnh danh như “thần mộc” của rừng.

Sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Tây Nguyên, yêu thương rừng tha thiết, H’ Hen Niê cho hay cô tin tưởng chính những hành trình trải nghiệm thiên nhiên kỳ thú chính là cách thức tuyệt vời để lan toả thông điệp bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, gìn giữ trái đất.

Chị Đỗ Thị Thanh Huyền và H' Hen Niê trải nghiệm dưới tán rừng cây hạt trần

Đồng thời, không có phương pháp giáo dục môi trường nào tốt hơn khi mỗi cá nhân được thực sự chạm tay vào thiên nhiên. Không có lời kêu gọi bảo vệ rừng nào sâu sắc hơn khi mỗi bạn trẻ được tự tay vun trồng những cây xanh và nhìn thấy thành quả tuyệt vời cho những đóng góp tưởng chừng nhỏ bé ấy.

“Được tận mắt chứng kiến, ôm ấp những cây cổ thụ nghìn tuổi của Việt Nam là hạnh phúc của Hen, của chúng ta. Trồng rừng là một hạnh phúc mà chúng ta cần cùng nhau xây dựng. Chẳng phải trách nhiệm bất kỳ cá nhân nào, tổ chức nào, trồng rừng là trách nhiệm là của tất cả chúng ta", Hoa hậu H’Hen Niê bày tỏ.

Cô chia sẻ: "Hãy luôn nghĩ tới những ngày phía trước. Hen hạnh phúc khi có cơ hội được thăm vào rừng sâu và hiểu trách nhiệm của bản thân nhiều hơn. Hen hy vọng tiếp tục được có cơ hội được đi đến, ghé thăm nhiều khu rừng tuyệt vời để hiểu sâu sắc hơn tầm quan trọng của rừng với khí hậu và cuộc sống của nhân loại trên khắp hành tinh. Hen cảm ơn vì tất cả, cảm ơn những con người đã yêu rừng, bảo vệ rừng”.

Chị Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập, giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, cho hay mỗi khu rừng như Xuân Liên, Bến En đều có những "cụ" cây nghìn năm tuổi. Trong suốt chiều dài nghìn năm ấy, hẳn các "cụ" đã chứng kiến biết bao đổi thay.

Dưới tán của những "cụ" cây nghìn năm tuổi, những người trẻ được truyền thêm niềm cảm hứng yêu rừng, bảo vệ rừng
gaia

“Có 'cụ' trở nên cô đơn lạc lõng, bởi chỉ còn lại một mình, như 'cụ' Lim nghìn tuổi tại Bến En. Có nhiều 'cụ' may mắn còn có cả một cộng đồng, ở một nơi biệt lập với con người, như những thần mộc rừng Xuân Liên trong rừng di sản cây hạt trần. Chúng tôi mong người trẻ cùng chiêm ngưỡng và khâm phục vẻ đẹp, sự kiên cường của các 'cụ' cây, và đem tâm huyết trồng thêm nhiều cây hơn nữa, cho các thế hệ cây đời đời tiếp nối”, chị Huyền bộc bạch.

Hành trình đến với những cây di sản Việt Nam nghìn tuổi của Hoa hậu H’ Hen Niê nằm trong trải nghiệm thiên nhiên kỳ thú mang tên “Tiếng gọi ngàn năm” do Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia thực hiện.

Sáng kiến giáo dục này nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc trồng rừng đối với trái đất. Chuỗi trải nghiệm gồm các hoạt động như trồng và giám sát rừng, trải nghiệm thiên nhiên kỳ thú, ghé thăm các rừng cổ thụ với những "cụ" cây nghìn năm tuổi, hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.