Trước khi bão Yagi vào đất liền, ngư dân đã neo đậu tàu thuyền vào bên trong nội cảng. Ngoài móc neo, một số người dân đóng thêm cọc xuống biển để thuyền đậu được chắc chắn. Theo Sơn, ngư dân quần quật làm việc cả ngày, dùng dây thừng buộc chặt những chiếc thuyền với hy vọng bảo toàn tài sản sau cơn bão lớn. Trên gương mặt họ đầy nỗi lo. Tất cả khung cảnh chuẩn bị ứng phó với bão Yagi đã được nhiếp ảnh Sơn ghi lại đầy cảm xúc.
Bộ ảnh được anh Sơn chụp vào ngày 6.9 bằng máy ảnh canon và mất 1 tiếng đồng hồ để hậu kỳ. Bộ ảnh được thực hiện tại cảng cá Cửa Lân và Diêm Điền, tỉnh Thái Bình.
“Với những cơn bão được dự đoán là siêu bão cuồng phong như Yagi nếu không neo chống, tìm nơi tránh thì tàu thuyền có nguy cơ hư hại hoặc bị cuốn đi mất. Với những người dân ở làng biển, thì tàu thuyền là thứ tài sản quý giá giúp họ kiếm ăn từng ngày. Những ngày trước bão, ngư dân tại các làng cá ven biển quê mình đều mất ăn, mất ngủ. Ai cũng tranh thủ neo đậu thuyền chắc chắn”, Sơn chia sẻ.
Lớn lên tại cảng cá Cửa Lân, tỉnh Thái Bình, từ nhỏ nhiếp ảnh Sơn đã chứng kiến cảnh quê hương mình bị tàn phá bởi những cơn bão. Sơn kể lại năm 2013, làng biển quê anh cũng từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Haiyan. “Lúc đó mình phải nghỉ học ở nhà tránh bão. Làng biển quê mình nhiều cây bị bật gốc, sập nhà. Những bè nuôi cá của người dân bị trôi đi. Người dân làng biển quanh năm vất vả, nhiều nhà còn nghèo nên thương lắm. Những ngày qua, khi nghe bão lớn, nhà nào cũng tất bật làm hết mọi cách để bảo vệ tài sản”, Sơn chia sẻ.
Sơn từng là sinh viên ngành công nghệ thông tin Học viện Quản lý giáo dục (TP.Hà Nội). Sơn đam mê và theo đuổi nhiếp ảnh đã được 5 năm. Các bộ ảnh của Sơn tập trung khai thác con người, cảnh vật trên khắp đất nước Việt Nam. Sơn cho biết dễ rung động bởi hình ảnh con người lao động vất vả.
“Hy vọng cơn bão Yari sẽ yếu đi khi vào đất liền và không có thiệt hại về người, tài sản. Người dân làng biển quê mình quanh năm đã quá vất vả, cực khổ”, Sơn chia sẻ.
Bình luận (0)