Xe

Xung đột Azerbaijan - Armenia với sáng kiến Vành đai - con đường của Trung Quốc

Văn Khoa
Văn Khoa
04/10/2020 18:19 GMT+7

Trung Quốc được cho là đang ở thế tiến thoái lưỡng nan trong cuộc giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia giữa lúc Bắc Kinh ủng hộ chủ quyền của Azerbaijan nhưng muốn thắt chặt quan hệ với Armenia, theo chuyên gia Nga.

Armenia hôm 3.10 tuyên bố sẽ dùng “tất cả phương tiện cần thiết“ để bảo vệ người Armenia thiểu số trước cuộc tấn công của Azerbaijan sau khi Azerbaijan cho hay lực lượng nước này đã chiếm một số ngôi làng trong cuộc giao tranh tại vùng Nagorno-Karabakh.
Đây là một khu vực của Azerbaijan nhưng nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng người thiểu số Armenia được chính quyền Armenia hậu thuẫn kể từ khi chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan kết thúc vào năm 1994.
Bất chấp nỗ lực trung gian hòa giải của Pháp, Azerbaijan và Armenia tiếp tục tấn công lẫn nhau bằng rốc két và tên lửa trong 7 ngày liên tiếp, khiến ít nhất 230 người thiệt mạng, theo Reuters. Mỗi bên đều tuyên bố đã phá hủy hàng chục xe tăng của đối phương.

[VIDEO] Xung đột Armenia - Azerbaijan leo thang, số người thương vong gia tăng

Vành đai và Con đường với Armenia và Azerbaijan

Trung Quốc cũng đã kêu gọi Azerbaijan và Armenia giải quyết bất đồng thông qua đối thoại trong bối cảnh hai quốc gia này được cho là có vai trò quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Theo bài bình luận của chuyên gia Danil Bochkov thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng vấn đề quốc tế Nga (có trụ sở tại Moscow) đăng trên tờ South China Morning Post ngày 3.10, Trung Quốc bắt đầu tích cực tham gia vào các vấn đề của khu vực Nam Caucasus từ năm 2015, do khu vực này được xem là cầu nối Trung Đông, Trung Quốc, Nga và châu Âu trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Trung Quốc do vậy đã ký kết nhiều thỏa thuận với Georgia, Azerbaijan và Armenia.
Theo đó, hồi năm 2016, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (trụ sở tại Bắc Kinh) đã cấp cho Azerbaijan khoản vay 600 triệu USD để hỗ trợ một dự án xây đường ống dẫn khí đốt tới Thổ Nhĩ Kỳ. Đến năm 2019, Trung Quốc và Azerbaijan ký các thỏa thuận với tổng trị giá 800 triệu USD, thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực phi dầu mỏ.
Thương mại gia tăng đã góp phần thắt chặt quan hệ Trung Quốc-Azerbaijan. Trong năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,3 tỉ USD, đánh dấu Azerbaijan trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Nam Caucasus.
Trung Quốc đang quan tâm đường sắt Baku - Tbilisi - Kars, kết nối Azerbaijan, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ, được phát triển trong tuyến đường sắt trung chuyển quốc tế xuyên Caspian, bắt đầu từ Đông Nam Á và Trung Quốc chạy qua Kazakhstan, biển Caspian, Azerbaijan, Georgia đến các nước châu Âu. Tuyến đường này nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tuyến đường sắt Baku - Tbilisi - Kars đang được xem là tuyến đường ngắn nhất vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Thổ Nhĩ Kỳ và giảm thời gian vận chuyển hàng tới Tây Âu từ hơn một tháng xuống còn 15 ngày. Bên cạnh đó, Azerbaijan và Kazakhstan đang phát triển vành đai viễn thông Á - Âu, được cho là sẽ hữu ích cho các nước tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường.

Nếu Azerbaijan tích cực tham gia vào các dự án kết nối cơ sở hạ tầng liên quan Trung Quốc, thì Armenia cũng thể hiện cởi mở với Trung Quốc, Hồi năm 2015, Armenia đã ký với Trung Quốc thỏa thuận thúc đẩy hợp tác trong việc xây dựng Vành đai kinh tế con đường tơ lụa, thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường.

Một dự án cơ sở hạ tầng quan trọng ở Armenia là đường cao tốc Bắc - Nam, một phần của vành đai thương mại biển Đen - vịnh Ba Tư, bao gồm kết nối đường bộ, đường sắt và đường biển. Nếu được hoàn thành, đường sắt cao tốc Bắc - Nam đối với Trung Quốc sẽ là tuyến thay thế an toàn cho các tuyến vận tải khu vực vì nó chạy qua đối tác Trung Đông quan trọng của nước này là Iran.

Armenia còn được cho là có sức hút đối với Trung Quốc vì Armenia có thể trở thành căn cứ tiềm năng về vận tải ở khu vực để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở Trung Đông. 
Ngoài ra, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Armenia được cho là gần gũi hơn so với mối quan hệ Trung Quốc - Azerbaijan, theo chuyên gia Bochkov. Viện Khổng tử đầu tiên ở Nam Caucasus được mở ở Armenia vào năm 2008. Hợp tác kinh tế cũng gia tăng, với kim ngạch thương mại song phương đạt 941 triệu USD trong năm 2019, vượt con số kỷ lục 711 triệu USD của năm 2018. Cùng năm, Trung Quốc cam kết viện trợ quân sự trị giá 1,5 tỉ USD cho Armenia.
Đến tháng 5.2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định Trung Quốc muốn thắt chặt quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa với Armenia.

[VIDEO] Chiến sự Armenia - Azerbaijan gây chia rẽ hai đồng minh NATO Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ

Tiến thoái lưỡng nan

Với tình trạng đều có mối quan hệ tốt đẹp với Azerbaijan và Armenia, Trung Quốc đã giữ thế trung lập trong cuộc xung đột hiện nay giữa hai quốc gia ở Nam Caucasus, nhưng vẫn đang đối mặt tình trạng tiến thoái lưỡng nan, theo ông Bochkov.
Giới chuyên gia Azerbaijan và truyền thông thường cho rằng Trung Quốc ủng hộ chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan, phản đối chủ nghĩa ly khai ở Nagorno-Karabakh để tránh tiêu chuẩn kép trong quan hệ với Đài Loan.
Tuy nhiên, với tình trạng Trung Quốc đang thắt chặt quan hệ với Armenia, cuộc xung đột biên giới đòi hỏi Trung Quốc có những chính sách ngoại giao cẩn trọng hơn. Nếu trong quá khứ, Trung Quốc luôn nhấn mạnh ủng hộ tính toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan thì ngày nay họ chỉ có thể kêu gọi đối thoại và kiềm chế.
Dù kết quả của cuộc xung đột về Nagorno-Karabakh như thế nào đi nữa, rõ ràng Trung Quốc sẽ không tìm kiếm một vai trò làm trung gian hòa giải trong bối cảnh Bắc Kinh không có tầm ảnh hưởng chính trị nào đối với Azerbaijan lẫn Armenia và cũng không muốn chọn đứng về phía nào, theo chuyên gia Bochkov.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.