Xung đột Nga - Ukraine thổi bùng khủng hoảng năng lượng toàn cầu

22/12/2022 13:39 GMT+7

Năm 2022 là một năm đầy thử thách đối với ngành năng lượng khi xung đột Nga - Ukraine đẩy thế giới bước vào cuộc khủng hoảng làm chao đảo nhiều nền kinh tế lớn.

Thế giới đang ở giữa một cuộc khủng hoảng năng lượng với chiều sâu và sự phức tạp chưa từng thấy, trong đó châu Âu là trung tâm. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang tạo ra các tác động to lớn đối với thị trường, chính sách và các nền kinh tế. Đồng thời, những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất như thường lệ đang phải chịu đựng nhiều nhất.

Tài xế xe lam xếp hàng chờ mua xăng tại Colombo, Sri Lanka hồi tháng 7

Reuters

Thế giới chao đảo

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu không hẳn bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine nhưng đây lại là nguyên nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Chiến sự cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây và sự trả đũa của Nga đã dẫn đến sự đổ vỡ trong các mối quan hệ cung cấp dầu khí đã tồn tại trong nhiều thập niên, tạo áp lực đè nặng với nguồn cung dầu khí toàn cầu.

Chiến sự đã khiến các công ty năng lượng hàng đầu thế giới như Shell, BP và Equinor nhanh chóng rút khỏi Nga, bất chấp việc phải từ bỏ hàng chục tỉ USD đã đầu tư ở đây. Nga đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách giảm dần nguồn cung dầu khí tới “các quốc gia không thân thiện” và yêu cầu thanh toán hợp đồng năng lượng bằng đồng rúp và cuối cùng là cắt nguồn cung dầu khí tới “lục địa già”.

Khủng hoảng năng lượng có thể trầm trọng hơn trong năm 2023

Hậu quả tất yếu là giá khí đốt tự nhiên tăng lên mức kỷ lục trong nhiều năm. Có thời điểm giá dầu lên tới gần 140 USD/thùng, gần bằng mức kỷ lục mọi thời đại (147,5 USD/thùng vào tháng 7.2008), đẩy châu Âu nói riêng và thế giới nói chung vào vòng xoáy lạm phát, dẫn đến cuộc khủng hoảng chi phí ở nhiều quốc gia. Giá năng lượng cao và không ổn định đang gây tổn hại cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, làm thay đổi lựa chọn nhiên liệu và cản trở tiến trình đạt được khả năng tiếp cận năng lượng phổ cập, dẫn đến sự cải tổ sâu sắc các luồng thương mại trên toàn thế giới và kinh tế toàn cầu đứng bên bờ vực suy thoái.

Trước tình hình này, không chỉ riêng châu Âu mà nhiều nền kinh tế trên thế giới đua nhau tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Tuy nhiên, nhiên liệu hóa thạch (than đá) vẫn không thể bị thay thế trong một sớm một chiều và cũng không phải cứ muốn thay là có thể thay thế được. Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn, làm trì hoãn các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu mà các nước châu Âu đã đề ra.

Nhà máy điện than Belchatow lớn nhất châu Âu tại Kleszczow, Ba Lan

Reuters

Các giải pháp ứng phó

Việc gián đoạn nguồn cung dầu khí từ Nga do các biện pháp trừng phạt từ phương Tây và việc đáp trả cứng rắn của Nga đã khiến thế giới chìm trong cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ. Các phản ứng ngắn hạn tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung sẵn có và bảo vệ người tiêu dùng, nhưng nhiều chính phủ như Mỹ, EU và các nơi khác đã áp dụng các chính sách mới nhằm thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư vào năng lượng sạch và hiệu quả, đồng thời tìm các đối tác thay thế Nga.

Những nước nào "trúng đậm" từ dầu mỏ nhờ chiến sự Ukraine?

Các chính phủ đã chi hàng tỉ USD để hỗ trợ các công ty dịch vụ tiện ích và tung ra các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân. Đơn cử như Đức, vào cuối tháng 9.2022, chính phủ đã đạt đồng thuận về việc quốc hữu hóa Uniper, hãng nhập khẩu khí đốt lớn nhất của nước này, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Bến lưu trữ và chuyển khí tự nhiên hóa lỏng sang dạng khí vừa khánh thành tại Wilhelmshaven

Reuters

Để “cai” khí đốt của Nga, các nước châu Âu đang tìm mọi cách, từ phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió, đến tìm các biện pháp sưởi ấm thay thế như dùng máy bơm nhiệt, thậm chí người dân có thể đốt bất cứ vật liệu gì có thể sưởi ấm nhà trong mùa đông giá lạnh. Các quy định về hạn chế khói bụi tạm thời không bị xét đến. Ông Michal Piszko, thị trưởng của thị trấn Klodzko với 28.000 dân ở phía tây nam Ba Lan, cho biết người dân đang gom rác để làm nhiên liệu sưởi ấm trong mùa đông.

Bên cạnh đó, chi phí vay ngắn hạn có thể sẽ tăng lên khi chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều quốc gia. Điều này có thể gây bất lợi cho một số dự án năng lượng sạch, dù công nghệ sạch vẫn là lựa chọn hiệu quả nhất, thậm chí nó đã diễn ra ngay trước khủng hoảng năng lượng năm nay.

Áp lực chi phí đang được cảm nhận trên toàn ngành năng lượng từ những căng thẳng dai dẳng trong chuỗi cung ứng và từ giá cao hơn đối với các khoáng sản quan trọng và vật liệu xây dựng thiết yếu như xi măng và thép. Các xu hướng hiện tại đang thúc đẩy các chính phủ chú ý hơn đến khả năng phục hồi và tính đa dạng của chuỗi cung ứng năng lượng sạch.

Xuất khẩu dầu, khí đốt Nga tăng mạnh

Thách thức phía trước

Bất chấp những nỗ lực nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cấp khí đốt cho mùa đông, động lực thị trường năng lượng cho châu Âu vào năm 2023 sẽ gặp nhiều thách thức như năm 2022. Giá năng lượng sẽ vẫn tăng cao, chỉ giảm do nhu cầu tiêu thụ trên khắp lục địa giảm và rất khó để xác định nền kinh tế sẽ ở đâu và tăng trưởng sẽ đến từ đâu.

Hơn nữa, nhu cầu giảm đang buộc ngành công nghiệp trên khắp châu Âu phải ngừng hoạt động và sẽ làm tăng chi phí đầu vào, khiến ngành công nghiệp châu Âu trở nên kém cạnh tranh hơn so với hàng hóa tương đương ở Bắc Mỹ hoặc châu Á. Điều này sẽ diễn ra ít nhất là đến năm 2024 hoặc thậm chí còn lâu hơn nữa. Một số công ty có thể nhập khẩu hàng hóa trung gian rẻ hơn, nhưng điều này sẽ làm xói mòn thêm cán cân thương mại vốn đã xấu đi do hậu quả là giá cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Khi giá năng lượng cao hơn kéo dài trong suốt năm 2023, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bắt đầu tự định hướng lại, với việc người mua quốc tế chuyển sang các nguồn ngoài châu Âu. Nguy cơ nhãn tiền là những thay đổi này sẽ trở nên cố định sau nhiều năm bị gián đoạn và gây thiệt hại vĩnh viễn cho khả năng cạnh tranh của châu Âu.

Áp lực cạnh tranh cũng sẽ ảnh hưởng đến các quyết định của các doanh nghiệp công nghiệp về việc có nên tiếp tục “nhàn rỗi”, chuyển địa điểm hoặc rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán hay sản xuất hàng hóa với mức giá không kinh tế. Trong nhiều lĩnh vực, nổi bật nhất là lĩnh vực ô tô, điều này đang diễn ra song song với quá trình chuyển đổi xanh, khiến các nhà sản xuất hàng hóa xanh của châu Âu, chẳng hạn như động cơ xe điện, pin và tua-bin năng lượng mặt trời và gió hoạt động với chi phí bất lợi ngay từ đầu.

Dây chuyền sản xuất xe ô tô Volkswagen tại Zwickau, Đức hồi tháng 4

Reuters

Các tập đoàn công nghiệp của Đức đã cảnh báo rằng giá năng lượng cao kéo dài có thể dẫn đến quá trình “phi công nghiệp hóa ở Đức” và các nhà sản xuất ô tô ở Đông Âu đã đe dọa chuyển sản xuất sang Nam Âu, nơi có chi phí năng lượng thấp hơn hoặc ra khỏi khu vực này hoàn toàn. Nhiều ngành công nghiệp có khả năng làm theo. Phản ứng chính sách của các chính phủ quốc gia và Ủy ban châu Âu cho đến nay tập trung vào quản lý khủng hoảng ngắn hạn hơn là duy trì khả năng cạnh tranh trung hạn.

Ngoài việc ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và tăng trưởng, giá năng lượng cao kéo dài sẽ có tác động mạnh đến chính sách tài khóa và quá trình chuyển đổi xanh của châu Âu.

Triển vọng tương lai

Câu hỏi quan trọng là liệu cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có dẫn đến sự tăng tốc trong quá trình chuyển đổi năng lượng hay không, hay liệu sự kết hợp giữa bất ổn kinh tế và các lựa chọn chính sách ngắn hạn sẽ làm chậm đà phát triển. Một mặt, giá nhiên liệu hóa thạch cao và mức phát thải kỷ lục là những lý do mạnh mẽ để tránh xa sự phụ thuộc vào những nhiên liệu này hoặc sử dụng chúng hiệu quả hơn. Mặt khác, những lo ngại về an ninh năng lượng có thể thúc đẩy các khoản đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng và cung cấp nhiên liệu hóa thạch.

Năm 2022 sắp khép lại, giá khí đốt tự nhiên và nhiên liệu sưởi ấm có giảm khi hoạt động kinh tế suy giảm nhưng mọi người vẫn đang gặp khó khăn và có thể sẽ tiếp tục như vậy một thời gian nữa vì nguồn cung khan hiếm sẽ tạo ra nhiều cú sốc về giá hơn.

Hơn nữa, cuộc khủng hoảng đã phá vỡ mối quan hệ năng lượng giữa châu Âu và Nga, đồng thời dẫn đến việc nhiều quốc gia phải đánh giá lại vấn đề an ninh năng lượng, thúc đẩy một loạt các biện pháp nhằm tăng cường an ninh năng lượng, bao gồm hỗ trợ xây dựng năng lực sản xuất trong nước trong các lĩnh vực quan trọng.

Michael Stoppard, Cố vấn đặc biệt và nhà phân tích khí đốt toàn cầu tại S&P Global Commodity Insights, nói rằng mối quan hệ đối tác thành công 50 năm qua về khí đốt giữa Nga và châu Âu đã kết thúc, khiến châu Âu phải điều chỉnh lại cung cầu và điều này sẽ mất nhiều thời gian. Ông Stoppard nhấn mạnh châu Âu sẽ phải gánh chịu hậu quả từ điều này cho đến tận năm 2023 và xa hơn nữa.

Các chuyên gia dự đoán, giá nhiên liệu hóa thạch cao đặc biệt hiện nay sẽ giảm bớt khi các nền kinh tế chậm lại và thị trường tái cân bằng, mặc dù thị trường khí đốt tự nhiên vẫn thắt chặt trong vài năm nữa do châu Âu cạnh tranh các lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẵn có để bù đắp cho nguồn cung của Nga bị hạn chế. Tốc độ điều chỉnh và quỹ đạo giá dài hạn khác nhau tùy theo từng kịch bản và tùy thuộc vào sức mạnh của hành động chính sách để hạn chế nhu cầu.

Hiện các nền kinh tế công nghiệp hóa lớn cũng đang chuẩn bị cho các hạn chế về nguồn cung dầu khí trong năm 2023, thậm chí cả nhiều năm sau này nữa. Các nước châu Âu đã phải chấp nhận chuyển sang mua nhiên liệu hóa lỏng từ đồng minh Mỹ cho dù chi phí cao hơn, đồng thời đẩy mạnh các dự án phát triển năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, gió và hydro.

Các tua-bin gió gần nhà máy điện than ở Jackerath, Đức

Reuters

Francesco Starace, Giám đốc điều hành Enel của Ý, một trong những công ty năng lượng lớn nhất thế giới, nói rằng: “Năm 2022 và một phần năm 2023 sẽ là khởi đầu cho những thay đổi khi thói quen cũ bị phá bỏ”.

Kho chứa khí đốt tự nhiên ở châu Âu có thể sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào mùa xuân năm 2023 và nguồn nhập khẩu mới là rất ít. Do đó, cuộc tranh giành khí đốt sẽ tồi tệ không kém, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn vào năm 2023. Có thể thấy, cuộc khủng hoảng năng lượng ngày nay có một số điểm tương đồng với cú sốc giá dầu những năm 1970 nhưng cũng có những điểm khác biệt quan trọng. Cuộc khủng hoảng năng lượng trong những năm 1970 tập trung vào các thị trường dầu mỏ và nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào dầu mỏ nhiều hơn so với hiện nay. Hơn nữa, bản chất toàn cầu của cuộc khủng hoảng hiện nay, sự lan rộng của nó trên tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch và tác động dây chuyền đối với giá điện đều là những dấu hiệu cảnh báo về tác động kinh tế rộng lớn hơn và cần phải có các giải pháp lâu dài và bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.