Mối đe dọa hạt nhân
Hãng TASS hôm qua (5.5) đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc họp định kỳ với các thành viên thường trực của Hội đồng An ninh quốc gia trong cùng ngày. Một trong những chủ đề được bàn bạc tại cuộc họp là vụ tấn công gần đây tại Điện Kremlin. Vụ tấn công xảy ra vào rạng sáng 3.5, khi 2 máy bay không người lái (UAV) xâm nhập thủ đô Moscow và phát nổ ngay trên mái Điện Kremlin.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 534 có diễn biến gì nóng?
Nga tố cáo Ukraine và Mỹ đứng sau vụ việc nhằm ám sát Tổng thống Putin, nhưng Washington và Kyiv nhanh chóng phủ nhận. Nhiều giả thuyết được giới quan sát đưa ra về danh tính thật sự và động cơ của bên đứng sau vụ việc này. Bất kể đó là ai, vụ việc cũng đã dẫn đến những tác động với hậu quả khó lường đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin gọi đó là cuộc tấn công khủng bố do Ukraine dàn dựng. Ông tuyên bố sẽ không đàm phán với Ukraine, mà sẽ kêu gọi sử dụng vũ khí hạt nhân để hủy diệt chế độ Kyiv, theo tờ The Moscow Times. Cựu Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, người từng là lãnh đạo Tập đoàn hàng không vũ trụ quốc gia (Roscosmos) và hiện là cố vấn quân sự tại tiền tuyến, cho rằng Nga có thể tấn công phủ đầu Ukraine bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm tránh thiệt hại lớn từ cuộc phản công tiềm tàng của Kyiv. Tuy nhiên, ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tổ chức đánh thuê Wagner, phản đối hành động đáp trả bất cân xứng này và kêu gọi trừng phạt người đã không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ không phận.
Nga cảnh báo nguy cơ hạt nhân nếu đập thủy điện vỡ ở Ukraine
Điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 4.5, Giám đốc Tình báo quốc gia Avril Haines đánh giá rằng khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine là rất khó xảy ra, theo Reuters.
Nấc thang mới ?
Giới lãnh đạo Nga được cho là khó để vụ việc tại Kremlin trôi qua mà không có hành động phản ứng nào, bởi đó là vụ xâm nhập nghiêm trọng nhất từ năm 1987, khi một phi công người Đức lái máy bay từ Phần Lan đáp xuống gần Quảng trường Đỏ ở Moscow. Nếu quả thật Ukraine đứng sau, đó là hành động gây tổn hại to lớn đến uy danh của nước Nga và cho thấy ngay cả tại Moscow cũng không còn an toàn, theo bài viết của nhà phân tích an ninh nước Nga Mark Galeotti đăng trên tạp chí The Spectator.
Đặc biệt, vụ việc xảy ra ngay trước thềm Nga kỷ niệm ngày chiến thắng trong Thế chiến 2 (ngày 9.5), sự kiện thường đi kèm các lễ duyệt binh rầm rộ tại Quảng trường Đỏ và nhiều thành phố khác. Truyền thông Nga đưa tin ít nhất 21 thành phố đã hủy buổi duyệt binh thường niên trong sự kiện vào tuần tới vì lý do an ninh.
Nga cảnh báo Ukraine về hậu quả nặng nề nếu phản công
Còn trong trường hợp đó là hành động do Nga ngụy tạo, giới phân tích phương Tây dự báo Moscow sẽ dùng đó làm cái cớ để đẩy xung đột tại Ukraine lên một nấc thang mới.
Trong diễn biến đáng chú ý hôm qua, ông Prigozhin bất ngờ tuyên bố Wagner sẽ rút khỏi TP.Bakhmut ở miền đông Ukraine vào ngày 10.5 do tổn thất nặng vì thiếu đạn và sẽ giao lại tiền tuyến cho quân chính quy Nga. Phát biểu đầy giận dữ bên cạnh thi thể hàng chục tay súng Wagner trong một video đăng cùng ngày, ông Prigozhin chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov vì không cung cấp đạn cho Wagner.
Chưa rõ ông Prigozhin có hành động như đã tuyên bố, nhưng trước đó ông từng có những bình luận bị coi là bốc đồng. Hơn nữa, Bakhmut lại là nơi mà Wagner dẫn đầu nỗ lực tấn công trong suốt nhiều tháng qua và đã kiểm soát phần lớn thành phố. Điện Kremlin đã từ chối bình luận.
Ukraine thừa nhận có vấn đề với vũ khí phương Tây
Bình luận (0)