Xung đột Ukraine - Nga: Chiến trường vẫn đỏ lửa

08/03/2022 06:15 GMT+7

Các thành phố của Ukraine đang tiếp tục bị bao vây và pháo kích trong bối cảnh Nga được cho là đã triển khai gần hết lực lượng điều động trước đó.

Tình hình chiến sự

AFP đưa tin Bộ Quốc phòng Nga ngày 7.3 tuyên bố lệnh ngừng bắn để mở 6 hành lang nhân đạo sơ tán dân thường khỏi các thành phố của Ukraine. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh nhiều thành phố đang phải hứng chịu không kích nặng nề những ngày gần đây. Cùng ngày, chính quyền thị trấn Gostomel gần thủ đô Kyiv ngày 7.3 thông báo trên Facebook rằng Thị trưởng Yuri Illich Prylypko đã bị bắn chết cùng hai người khác khi đang phân phát bánh mì và thuốc men.

Một người đàn ông và đứa trẻ sau trận pháo kích ở thị trấn Irpin, gần Kyiv, Ukraine ngày 6.3

Reuters

AP dẫn lời Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovich cho biết Nga đã tăng cường pháo kích ngoại ô Kyiv, TP.Chernihiv ở phía bắc, Mykolaiv ở phía nam và TP.Kharkiv ở đông bắc Ukraine vào khuya 6.3. Quân đội Ukraine cũng thông báo đang giao tranh ác liệt với lực lượng Nga ở rìa TP.Mykolayiv, nằm trên đường tới cảng Odessa lớn nhất Ukraine. Chiều 7.3, ông Arestovich nói Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát thị trấn Chuhuiv ở đông bắc nước này.

Trong ngày 7.3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã vô hiệu hóa sân bay Vinnytsia ở phía tây Ukraine bằng không kích tầm xa chính xác. Cơ quan này cũng nói Nga đã bắn hạ 3 chiếc Su-27 và 3 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine trong 2 ngày 6 - 7.3. Trước đó, Ukraine cáo buộc Nga “phá hủy” sân bay Vinnytsia bằng 8 tên lửa.

Mỹ đánh giá Nga đã triển khai đến Ukraine 95% lực lượng dự trù cho chiến dịch quân sự

Ukraine cho biết quân đội Nga đã tắt các mạng di động, internet, các đường dây điện thoại và thư điện tử sau khi giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hôm 4.3. Điều này khiến Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 6.3 phải bày tỏ quan ngại về sự gián đoạn thông tin.

Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ ngày 6.3 ước tính Nga đã phóng khoảng 600 tên lửa kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24.2 và cũng đã triển khai 95% lực lượng điều động sẵn trước đó. Theo quan chức này, Nga đang cố gắng tiến quân và cô lập các thành phố Kyiv, Kharkiv cùng Chernihiv nhưng gặp sự kháng cự quyết liệt của Ukraine.

Nỗ lực giải quyết khủng hoảng

Các thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Nga từ chối dự phiên điều trần ngày 7.3 tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về cuộc khủng hoảng Ukraine. Vòng đàm phán thứ ba giữa Ukraine và Nga cũng diễn ra vào chiều 7.3 (giờ địa phương) tại Belarus. Trước cuộc gặp, Reuters đưa tin người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Nga sẵn sàng ngừng ngay chiến dịch quân sự nếu Ukraine đáp ứng các yêu cầu của Moscow.

Nga ra 4 điều kiện cho Ukraine để chấm dứt chiến dịch quân sự

Những điều kiện này bao gồm Ukraine phải ngừng hành động quân sự, thay đổi hiến pháp để trở thành quốc gia trung lập, thừa nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và công nhận các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk là cộng hòa độc lập. Đây được xem là những điều kiện rõ ràng nhất mà Nga từng đưa ra trong cuộc khủng hoảng này.

Nhiều nước cũng đang đề nghị làm cầu nối để Nga và Ukraine đối thoại nhằm chấm dứt khủng hoảng. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong họp báo thường niên ngày 7.3 tiếp tục nhấn mạnh rằng quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh vẫn đang bền chặt, đồng thời cho biết Trung Quốc sẵn sàng làm trung gian hòa giải.

Trong lúc đó, Mỹ và các đồng minh đang xem xét các biện pháp để tiếp tục cô lập Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6.3 cho biết Washington đang tích cực thảo luận với châu Âu và Nhật Bản về việc cấm nhập khẩu nhiên liệu từ Nga. Tuy nhiên, các bộ trưởng Tài chính và Ngoại giao của Đức đã cảnh báo về những hậu quả của việc làm này.

Những công ty nào lội ngược dòng, không rút khỏi Nga?

Ba Lan bác tin có thể điều chiến đấu cơ tới Ukraine

Báo điện tử Nexta ngày 6.3 viết trên Twitter rằng tờ The Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin trong chính quyền Washington tiết lộ Ba Lan có thể cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ MiG-29 và Su-25 để đổi lại nhận chiến đấu cơ F-16 từ Mỹ. Đáp lại, Văn phòng Thủ tướng Ba Lan viết trên Twitter: “Tin giả! Bạn đang lan truyền thông tin bị nhào nặn với phần trích dẫn có từ ngày 27.2.2022. Ba Lan sẽ không gửi chiến đấu cơ của mình sang Ukraine cũng như không cho phép sử dụng không phận của mình”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6.3 cho hay Washington sẽ bật đèn xanh cho khả năng không quân Ba Lan điều chiến đấu cơ MiG-29 sang Ukraine, theo Đài CBS.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.