Xuôi dòng Đà Giang trong mùa nước cạn

22/06/2023 12:40 GMT+7

Sáng sớm, mây trời bồng bềnh phủ khắp dải núi phía huyện Sìn Hồ - Lai Châu như tiễn biệt đoàn lữ khách lên thuyền rời cầu Hang Tôm đã trơ móng trụ. Thuyền của chúng tôi bắt đầu trôi xuôi theo dòng nước nhuộm màu bùn đỏ, trái ngược với hình ảnh con sông xanh ngắt, sóng gợn lăn tăn ngày nào.

Đầu tháng 6 trở đi, báo chí liên tục đưa tin lượng nước hồ chứa thủy điện trên sông Đà sụt giảm một cách bất thường, một số nơi sông Đà đã trơ đáy… Ông Lù Văn Tung, 68 tuổi, người dân tộc Thái trắng, hơn nửa đời người lái đò dọc sông Đà cảnh báo khi tôi điện thoại đặt thuyền: "Không thể đi được vì ở ngã ba sông, nơi gặp nhau của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay cạn kiệt tới mức người dân chăn bò có thể đi tắt qua lại". Ông còn gửi video clip để minh chứng lời mình nói. 

Tôi thật sự băn khoăn và không ít lần muốn chuyển sang địa điểm khác. Nhưng khi máy bay nghiêng mình hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, tôi vẫn quyết định lên xe chạy suốt lên Lai Châu rồi tìm cách xuôi dòng sông Đà đoạn từ thị xã Mường Lay - Điện Biên đến Quỳnh Nhai - Sơn La dài hơn 100 km.

Xuôi dòng Đà Giang trong mùa nước cạn - Ảnh 1.

Anh chàng người Thái trắng ở xã Huổi Só - Tủa Chùa đang chuẩn bị kéo lưới trước một hang động đã phát lộ vì mực nước xuống thấp

TRẦN THẾ DŨNG

Trước khi đến Mường Lay, tôi theo Quốc lộ 4D đi qua phần đất Phong Thổ và Sìn Hồ của Lai Châu đồng thời chạy song song với dòng sông Nậm Na. Đây là con sông lớn bắt nguồn từ Trung Quốc và điểm khởi đầu vào đất Việt là cửa khẩu Ma Lu Thàng. Trên cuộc hành trình giữa núi rừng hoang dại, nó đã mở lòng đón nhiều sông, suối để trở thành thủy lộ huyết mạch giao thông nối hai tỉnh Điện Biên, Lai Châu. 

Con sông này cũng gắn liền với mạch sống, bản làng các dân tộc Thái, H'mông, Dao, Mảng… đặc biệt với những điệu xòe Thái thâu đêm. Người ta kể: Thời Pháp thuộc "vua Thái" Đèo Văn Ân rất mê các điệu xòe nên tuyển chọn nhiều cô gái xinh đẹp lập đội xòe và khuyến khích người dân thường xuyên tổ chức xòe trên bãi sông. Đang bắt đầu vào mùa mưa nhưng ngoại trừ khu vực lòng hồ của các công trình thủy điện Nậm Na 1, 2, 3 tích nước song ở mức thấp. Còn phía hạ lưu hầu hết đáy sông lộ ra những bãi cát trắng rộng hàng trăm mét.

Đến cuối hành trình, sông Nậm Na chỉ còn là con lạch nhỏ chảy phía trước phế tích "vua Thái" Đèo Văn Long trước khi hòa mình vào sông Nậm Tè (sông Đà) vốn đã bị thu hẹp, đang uốn mình giữa tứ bề là bãi bồi lấn tới bờ. Trên đó nằm la liệt thuyền sắt, nhà bè bị mắc cạn, phơi nắng suốt thời gian dài cùng những dòng chảy bé xíu của suối Nậm Lay.

Xuôi dòng Đà Giang trong mùa nước cạn - Ảnh 2.

Dòng sông Đà đã thu hẹp chỉ còn là con lạch khi từ huyện Mường Tè chảy về thị xã Mường Lay

TRẦN THẾ DŨNG

Người dân chài sống trên sông Đà cho biết: Năm nay, thời tiết bất thường, lượng mưa ít, nắng nóng kéo dài, thêm nữa nước sông rút nhanh khiến bà con trở tay không kịp. Người sống bằng nghề nuôi cá lồng thiệt hại vì rủi ro đã đành, kẻ sống theo con nước thì chỉ còn trông chờ mưa sớm, nước lên để mưu sinh qua ngày. Mực nước tại khu vực thị xã Mường Lay xấp xỉ mực nước chết vào giữa tháng 6, đồng thời thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên mực nước hồ thủy điện Sơn La xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua.

Ngày kế tiếp, chúng tôi một mặt mong chờ mưa, mặt khác gợi ý và hỗ trợ kinh phí cho chủ thuyền đi tiền trạm trên thủy lộ bằng thuyền nhỏ để nắm tình hình diễn biến con nước, kể cả việc liên lạc với người quen sống ven sông Đà nhằm kết nối nếu chẳng may thuyền mắc cạn. Chúng tôi cũng tính tới trường hợp xấu nhất là sẽ đi xe vòng núi đến huyện Tủa Chùa - Điện Biên rồi xuống bến thuyền Huổi Só tiếp tục đi Quỳnh Nhai tuy tuyến sông này ngắn và bỏ qua nhiều cảnh đẹp.

Xuôi dòng Đà Giang trong mùa nước cạn - Ảnh 3.

Ngã ba sông ngày nào mênh mông xanh biếc, sóng gợn lăn tăn nay đã thu hẹp dòng chảy hoặc trơ đáy

TRẦN THẾ DŨNG

Chiều muộn cũng lúc chúng tôi nhận được hai tin vui từ ông Tung: Dù một số đoạn nước sông chỉ cao nửa mét nhưng khả năng thuyền sắt loại trung có thể thông thương. goài ra thủy điện Lai Châu - huyện Nậm Nhùn ở thượng nguồn sông Đà đang vận hành nên những ngày tới mực nước vùng hạ lưu lên dần.

Sau một đêm mưa rào, sáng sớm, mây trời bồng bềnh phủ khắp dải núi phía huyện Sìn Hồ - Lai Châu như tiễn biệt đoàn lữ khách lên thuyền rời cầu Hang Tôm đã trơ móng trụ. Chúng tôi bắt đầu trôi xuôi theo dòng nước nhuộm màu bùn đỏ, trái ngược với hình ảnh con sông xanh ngắt, sóng gợn lăn tăn ngày nào. Không lâu, thuyền đi qua 2 trụ cột còn sót lại của cầu Hang Tôm cũ được xây dựng từ 1960, một thời nổi tiếng là cầu dây văng đẹp nhất Đông Dương. 

Kể từ 2012, khi thủy điện Sơn La vận hành, cả cây cầu Hang Tôm cũ đã chìm sâu dưới lòng hồ, chấm dứt sứ mệnh lịch sử của nó. Sau này, để thuyền bè qua lại được an toàn, ngành giao thông tháo dỡ phần thân cầu và chỉ để lại hai trụ cột ở đôi bờ đã gieo trong lòng lữ khách biết bao niềm tiếc nuối. Bất chợt xuất hiện bãi bồi nhô cao như lấn át hết cả con sông cùng những gốc cây cổ thụ nằm rải rác đây đó gây nhiều khó khăn và nguy hiểm cho thuyền bè qua lại hơn bao giờ hết.

Xuôi dòng Đà Giang trong mùa nước cạn - Ảnh 4.

Đoàn lữ khách lên thuyền rời bến tạm là cầu Hang Tôm - nơi duy nhất ở Mường Lay thuyền có thể cặp bờ

TRẦN THẾ DŨNG

Tôi theo thuyền qua đoạn sông này trong mùa nước lớn dễ đến mười năm. Mỗi năm xuôi ngược gần chục chuyến nên cảnh vật đã quen mắt... Nhưng lần đầu tiên đi trong mùa nước cạn kiệt, những gì hiện ra dưới lòng sông vô cùng lạ lẫm, phấn khích. Đó là vách đá dựng đứng mang trên mình vô số thạch nhũ tạo hình và đường nét khắc tạc của sóng gió ở hẻm núi Kan Chua - biểu tượng cho sự hung dữ và hùng vĩ nhất của sông Đà, hôm nay như cao hơn tới tận trời. Hay những hang ngầm nằm im lìm dưới lòng sông nay phát lộ hàng loạt thủy động cùng nhiều nhũ đá rũ xuống mặt nước như chốn hoang đường mà trước đây dù có mơ cũng không thể thấy.

Thuyền càng gần đến Quỳnh Nhai, mặt sông càng rộng lớn. Người ta kể: Địa điểm này, xưa kia là ghềnh thác nguy hiểm, nhiều con thuyền đã bị đắm vì "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió". Chúng tôi tấp thuyền vào đồi Cao Pô, nơi dựng cột mốc đánh dấu vị trí trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai cũ hầu ghi nhớ về một thời nhộn nhịp đông đúc trên bến dưới thuyền. Bây giờ, cột mốc nằm cách mặt sông gần 50m và khách muốn lên thăm thú phải mất 10 phút tản bộ. Khác với mùa nước nổi, thuyền có thể cập ngay chân tháp, khách chỉ cần vài ba bước đã tới.

Xuôi dòng Đà Giang trong mùa nước cạn - Ảnh 5.

Cột mốc đánh dấu vị trí trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai cũ nay nằm cách mặt sông gần 50m, khác mùa nước nổi thuyền có thể cặp ngay chân tháp, khách chỉ cần vài ba bước đã tới

TRẦN THẾ DŨNG

Một chuyến đi ngắn nhưng giúp chúng tôi khám phá bao điều còn ẩn mình dưới dòng sông được miêu tả dữ dằn, hung bạo. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.