Xương nào trên cơ thể người dễ bị gãy nhất?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
07/10/2023 00:06 GMT+7

Xương có chức năng như một bộ khung nâng đỡ cơ thể. Nhờ có bộ xương, chúng ta có thể thực hiện rất nhiều hoạt động hằng ngày, từ đơn giản đến cường độ cao.

Một người trưởng thành sẽ có 206 chiếc xương. Kích thước và mức độ rắn chắc của các xương là khác nhau. Trong hoạt động hằng ngày, một số vị trí xương lại dễ bị tổn thương do tai nạn, té ngã hơn, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Xương nào trên cơ thể người dễ gãy nhất ? - Ảnh 1.

Xương cánh tay và cổ tay là một trong những vị trí dễ bị gãy nhất trên cơ thể

SHUTTERSTOCK

Chẳng hạn, nghiên cứu của Học viện phẫu thuật chỉnh hình Mỹ cho thấy xương quay cổ tay là vị trí bị gãy phổ biến nhất. Trong khi đó, tổ chức y tế phi lợi nhuận Cedars-Sinai ở thành phố tại Los Angeles (Mỹ) cho rằng xương cánh tay lại là vị trí chấn thương phổ biến nhất. Một vị trí khác cũng rất dễ bị chấn thương là xương đòn, tức phần xương dẹt cong tạo thành một phần của bả vai.

Với xương cánh tay và cổ tay thì đây là 2 vị trí quan trọng nhất trên cánh tay con người, giúp thực hiện nhiều động tác khác nhau. Tuy nhiên, chúng cũng thường chịu tác động khi bị té ngã, dẫn đến nứt gãy xương.

Người trẻ tuổi thường bị gãy xương cổ tay khi chịu lực tác động lớn hay thực hiện các hoạt động cường độ mạnh, chẳng hạn như tai nạn giao thông, đạp xe hay chơi các môn thể thao. Người cao tuổi thường bị gãy xương cổ tay do té ngã, đặc biệt là vào ban đêm. Những người trên 65 tuổi sẽ có nguy cơ cao bị gãy xương hơn vì họ dễ bị loãng xương, khiến xương yếu.

Gãy xương cổ tay và cánh tay sẽ gây đau đớn và hạn chế vận động. Bác sĩ thường điều trị bằng cách dùng nẹp, thậm chí phẫu thuật nếu cần thiết.

Trong khi đó, gãy xương đòn chiếm khoảng 10% tổng số ca gãy xương. Đối tượng bị gãy xương đòn phổ biến nhất là trẻ em. Nguyên nhân gây gãy xương đòn thường là do bị tác động lực trực tiếp vào ngực. Những vụ việc như vậy chủ yếu là tai nạn thể thao hay té ngã.

Sở dĩ xương đòn dễ bị gãy là do nằm ngay dưới da, thiếu các bó cơ bảo vệ. Gãy xương đòn sẽ gây ra cảm giác đau đớn, hạn chế đáng kể hoạt động hằng ngày, nhất là nâng vật nặng hay vươn tay lên cao. May mắn là hầu hết các trường hợp gãy xương đòn đều có thể chữa lành bằng các phương pháp điều trị đơn giản như nghỉ ngơi, đeo đai.

Để giảm nguy cơ gãy xương, mọi người cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nạp đủ canxi và vitamin D. Tập luyện thể thao cũng giúp xương chắc khỏe hơn, nhờ đó giảm tổn thương nếu không may bị té ngã hay tai nạn, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.