Ý kiến trái chiều về làm đường trên cao 5 dự án BOT hiện hữu ở TP.HCM

14/11/2024 17:10 GMT+7

Đó là nội dung Hội nghị tham vấn về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án hạ tầng giao thông đường bộ hiện hữu áp dụng loại Hợp đồng Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT) theo Nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Hội nghị do Sở GTVT TP.HCM tổ chức chiều nay (14.11).

Ý kiến trái chiều về làm đường trên cao 5 dự án BOT hiện hữu ở TP.HCM- Ảnh 1.

Quốc lộ 13 là điểm đen ùn tắc đang được kỳ vọng sớm triển khai mở rộng

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Đường trên cao phá vỡ cảnh quan đô thị?

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, đây là một trong những chính sách đặc thù lần đầu tiên được áp dụng trên cả nước, thuộc nhóm cơ chế được Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm theo Nghị quyết số 98.

Sau khi tham vấn ý kiến từ các sở, ban, ngành và các chuyên gia, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT trên địa bàn thành phố. Theo đó, 5 dự án được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến 2028 gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục bắc - nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Theo đại diện các đơn vị tư vấn, tổng chung 5 dự án xây dựng thêm 36,5 km đường, trong đó có khoảng 17 km cầu cạn, diện tích thu hồi đất gần 200 ha, ảnh hưởng tới gần 5.000 hộ dân. Tổng mức đầu tư 5 dự án khoảng 59.000 tỉ đồng. Phần nhà nước tham gia khoảng 60%, doanh nghiệp tham gia 40% với thời gian hoàn vốn khoảng 20 - 24 năm.

Sau khi nghe đơn vị tư vấn tóm tắt tổng quan 5 dự án đề xuất, ông Lê Quỳnh Mai - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đề xuất nên hạn chế làm đường trên cao, ưu tiên làm đường đi ngầm tại các nút giao để không phá vỡ cảnh quan đô thị. Cùng với đó, nên tổ chức thu phí theo chặng (theo từng km) thay vì theo lượt. Phương án thu phí theo lượt thường kéo theo các bất đồng về quan điểm. Các công trình hạ tầng giao thông hiện nay hoàn toàn đủ cơ sở kỹ thuật để tổ chức thu phí theo chặng, người dân đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu.

Về phương án tài chính, ngay khi lập hồ sơ mời thầu, thành phố cần nêu rõ thời gian hoàn vốn khoảng 20 năm, tỉ lệ tham gia của nhà nước từ 50 - 70% để làm cơ sở cho các đơn vị nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp.

Đặc biệt, lãnh đạo Đèo Cả nhận định đối với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông tại TP.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thường vô cùng phức tạp, nếu để cho doanh nghiệp làm thì đa phần các chủ đầu tư sẽ "bỏ chạy". Vì thế, thành phố nên tách riêng GPMB thành 1 dự án riêng, để nhà nước kết hợp với các nhà đầu tư cùng thực hiện.

Ông Lê Quốc Bình - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng hạ tầng CII cũng đề xuất hạn chế làm đường trên cao. Nên chia dự án thành 2 giai đoạn, làm từ dưới thấp trước rồi yêu cầu chủ đầu tư cam kết khi lưu lượng phương tiện tăng tới mức độ nhất định mới tiến tới làm đường trên cao. Nếu có cam kết ngay từ đầu trong hợp đồng thì khi đầu tư giai đoạn 2 không cần triển khai lại như 1 dự án mới mà doanh nghiệp cũng không bị chôn lượng vốn lớn ngay từ đầu.

Mở đường mới trên cao, ai muốn đi nhanh thì trả tiền

Tuy nhiên, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 lại cho rằng cần hạn chế việc mở rộng quá lớn đường hiện hữu. Nếu cần thì mở thêm đường nối trên cao khoảng 4 làn, giữ nguyên đường hiện hữu để người dân sử dụng. Lý giải rõ hơn quan điểm của mình, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh: Không thể có chuyện Nghị quyết 98 là tất cả cửa ngõ TP.HCM sẽ mở ra rồi thu tiền. Để vừa đạt mục tiêu tăng năng lực lưu thông, vừa đảm bảo lợi ích của người dân thì nên mở con đường mới trên cao, những ai chấp nhận trả tiền nhiều hơn để đi đường thoáng hơn, nhanh hơn thì đi trên đường mới.

Cùng với đó, cần nghiên cứu phương án thi công để đẩy nhanh tiến độ. "Tôi vừa đi thăm 6 thành phố của Trung Quốc, tất cả đường của họ đều trên cao hết. Một con đường trên cao 21 km chỉ làm trong 11 tháng. Họ chia ra, đơn vị làm trụ gom vào 3 tháng làm xong hết trụ; đơn vị làm dầm thì làm 1 lượt 6 tháng xong hết dầm... rồi ghép lại xong 1 con đường. Nếu chúng ta xếp hàng 5 dự án, tới quý 3/2026 mới khởi công rồi thêm thi công lâu nữa thì sơ kết Nghị quyết 98 rồi vẫn chưa có thành quả gì. Trong 5 dự án này, dự án nào làm được luôn, rút ngắn được giai đoạn, thiết kế, thi công... thì nên có quyết định triển khai luôn, khởi công sớm, làm sớm, làm nhanh" - TS Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Về phương án tài chính, ông Trần Du Lịch cũng khẳng định muốn doanh nghiệp tham gia đầu tư thì không thể để vòng đời hoàn vốn trên 20 năm. Với cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98, thành phố nên tính toán phương án bảo lãnh cho doanh nghiệp trúng thầu được phát hành trái phiếu để làm đường. Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí tài chính và không phụ thuộc hết vào vốn tín dụng ngân hàng.

Sau hội nghị, Sở GTVT TP.HCM sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với mục tiêu cuối năm nay, chậm nhất đầu năm sau hoàn chỉnh báo cáo, trình HĐND, sau đó lập báo cáo khả thi và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư vào quý 3 - quý 4 năm sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.