Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết

30/01/2014 05:06 GMT+7

Ngày Tết trên bàn thờ mỗi gia đình người Việt đều có mâm ngũ quả thể hiện lòng thành kính, nguyện ước của gia chủ trong một năm.

Ngày Tết trên bàn thờ mỗi gia đình người Việt đều có mâm ngũ quả thể hiện lòng thành kính, nguyện ước của gia chủ trong một năm.

>> Hấp dẫn mâm cỗ ngày Tết
>> Món Yee Sang trong ngày Tết của người Malaysia

Mâm ngũ quả xuất phát từ lý thuyết về ngũ hành: thủy - hỏa - mộc - kim - thổ, những yếu tố tạo nên vũ trụ từ các loại quả mà tên gọi có ý cầu mong đạt được một điều gì đó. Quả còn là biểu tượng cho sự sung túc bên trong chứa hạt (sao) vỏ bao lấy hạt là vũ trụ tượng trưng cho sự sinh sôi trường tồn, tái sinh bất tận của sự sống. Mỗi loại quả có ý nghĩa riêng qua hình dáng, cấu tạo, hương vị, màu sắc.

 Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết 1
Cách sắp đặt trái cây lên mâm cũng tuân theo theo ngũ hành, các loại quả dùng
thường mang các sắc màu theo quan niệm có tính may mắn

Nguyên gốc mâm ngũ quả có các loại trái cây: mận, hạnh, đào, táo và lý (hay điều). Nhưng do điều kiện địa lý thổ nhưỡng mà đặc sản mỗi vùng miền có sự khác biệt. Tựu chung các loại trái cây mà cả ba miền thường dùng để bày mâm ngũ quả gồm: lê, lựu, đào, táo, hồng, thanh long, bưởi, dưa hấu, nải chuối, trứng gà (lê ki ma), dừa, sung, đu đủ, xoài, mãng cầu…

Cách sắp đặt trái cây lên mâm cũng tuân theo theo ngũ hành, các loại quả dùng thường mang các sắc màu theo quan niệm có tính may mắn: lựu, na: có nhiều hạt, tượng trưng cho con cháu đầy đàn, sum vầy. Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lạnh trong ruột, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn trong cuộc sống... Quả quất tượng trưng cho người quân tử; Quả đu đủ là sự cầu mong của những gia đình nghèo được "đủ ăn". Hay màu đỏ (may mắn phú quý), vàng (sung túc)... 

Ở miền Bắc mâm ngũ quả bao giờ cũng có nải chuối thể hiện sự che chở của đất trời cho con người. Ngược lại một số người miền Nam cho rằng vỏ chuối dễ trơn trượt nên không cúng chuối vào dịp Tết. Một số người miền Nam cũng không bày quả cam, bởi “cam chịu” hàm ý sẽ luôn phải chịu đựng gò bó cả năm. Ngược lại mâm ngũ quả của người Bắc không thể thiếu quả cam với màu vỏ vàng tươi rói. Mâm ngũ quả người Bắc thường có: chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên).

Trong mâm ngũ quả miền Nam thường thấy có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Mãng cầu, cầu chúc cho mọi điều đều như ý. Có dừa tương tự cho chữ “vừa”, có nghĩa là không thiếu. Có sung biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc. Và đu đủ mang đến một năm mới được đầy đủ thịnh vượng. Một số người thêm xoài, gần với chữ xài để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn. 

Đoàn Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.